Ngày 27/6/2022, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã đăng tải bài viết phản ánh về tình trạng hoạt động không có chủ trương chấp thuận đầu tư, sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ngày 12/7/2022 Sở KH&ĐT Quảng Trị chủ trì cuộc họp cùng các sở TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây Dựng, UBND huyện Đakrông và các cá nhân đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý đối với Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng (Trước đây là Công ty Cổ phần Xây dựng số 6).
Sau cuộc họp, đến ngày 29/7/2022, Sở KH&ĐT Quảng Trị đã ban hành văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc chủ trương đầu tư các dự án dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hồ sơ đề xuất dự án Nhà máy sản xuất gỗ và chế biến lâm sản của Công ty Cổ phần Xây dựng số 6.
Đề xuất xử phạt từ 100 triệu – 200 triệu đồng
Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng là đơn vị nhận chuyển nhượng nhà máy sản xuất gỗ và chế biến lâm sản tại thôn Hà Bạc, xã Hường Hiệp, huyện Đakrông từ Công ty cổ phần xây dựng số 6 theo hợp đồng chuyển nhượng tháng 2/2020. Hiện tại Công ty này không có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mà chỉ hoạt động trên cơ sở Công văn số 2470/UBND-CN ngày 09/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư nhà máy gỗ và chế biến lâm sản.
Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh về thủ tục đầu tư của Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng, sở KH&DDT đã nên rõ: Trên thực tế, nhà đầu tư đã triển khai thực hiện dự án mà không thực hiện thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; Do đó, vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ và Khoản 3 Điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: “ Thực hiện dự án trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư”, mức phạt từ 100 triệu – 200 triệu đồng.
Bên cạnh việc đề xuất xử phạt hành chính, báo cáo nêu rõ biện pháp khắc phục sau khi xử lý vi phạm nêu trên là “Buộc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư” theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 19 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP. Do đó, dự án thuộc hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Chưa có hình thức xử lý Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng khi sử dụng đất trái quy định, triển khai dự án không có ĐTM
Theo báo cáo số 22/ BC- UBND ngày 25/01/2022 của UBND huyện Đakrông gửi UBND tỉnh và các sở ngành liên quan về tình hình hoạt động các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn, trong đó nêu rõ: Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng hiện tại đang hoạt động sản xuất dăm gỗ trên diện tích đất 4.500m2 mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ (Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND huyện Đkrông cấp 27/10/2015 cho ông Nguyễn Tuấn Hoàng và bà Nguyễn Thị Loan) thời hạn sử dụng đến tháng 10/2065. Ngày 30/10/2015 ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Hoàng Thị Loan có đơn xin đăng ký biến động đất đai và đã được UBND huyện Đakrông cấp lại Giấy chứng nhận QSD số 169762, mục đích sử dụng đất: Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; nguồn gốc sử dụng đất: Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.
Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013: Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp 5 không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”. Đối chiếu quy định trên, tại thời điểm năm 2015, khu đất của ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Hoàng Thị Loan thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điều 57, Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên trong báo cáo số 283/BC- SKH-DN ngày 29/7/2022 của Sở KH&ĐT gửi UBND tỉnh Quảng Trị có nêu rõ “Đối chiếu với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 17/6/2014, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt trước khi chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án”. Như vậy, luật quy định rõ trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng ngày 30/10/2015 UBND huyện Đakrông lại cấp chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Giấy chứng nhận QSD số 169762 cho ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Hoàng Thị Loan, mục đích sử dụng đất: Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; nguồn gốc sử dụng đất: Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thương mại dịch vụ sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Hoàng Thị Loan do UBND huyện Đakrông cấp giấy chứng nhận đã đúng quy định của pháp luật? nếu sai sẽ xử lý như thế nào?
Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng xây dựng và hoạt động sản xuất dăm gỗ từ năm 2016 đến nay, hồ sơ pháp lý về môi trường của Công ty này chỉ có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 40/GXN-UBND do UBND huyện Đakrông xác nhận ngày 03/12/1015 cấp cho Công ty cổ phần xây dựng số 6. Với công suất sản xuất hiện đăng ký ban đầu của nhà máy là 1000 đến 1200 tấn/tháng, đồng thời dự án nằm trong diện phải có chủ trương cấp thuận đầu tư của UBND tỉnh nên phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo quy định việc chưa có chủ trương chấp thuận đầu tư thì các hồ sơ pháp lý liên quan về bảo vệ môi trường, Giấy phép xây dựng, PCCC đều không phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, sở KH&ĐT cho rằng: “Việc nhà đầu tư thực hiện các thủ tục có liên quan về thẩm định xây dựng, thẩm duyệt thiết kế PCCC, bảo vệ môi trường, khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư do thiếu hiểu biết, nắm bắt các quy định của pháp luật và chưa được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể là nguyên nhân khách quan và cả chủ quan”.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù thủ tục pháp lý để dự án dăm gỗ đi vào hoạt động còn thiếu, nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng vẫn diễn ra rầm rộ đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Đakrong và các sở ngành liên quan cần có hướng xử lý dứt điểm, đúng theo quy định của pháp luật để tạo môi trường đầu tư lành mạnh trên địa bàn.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.