Đảo Cồn Cỏ là máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Giữ gìn, bảo vệ đảo, bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ then chốt của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân nói chung và của lực lượng biên phòng đầu sóng, ngọn gió nói riêng.
Huyện đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị là đơn vị hành chính nằm độc lập trên Biển Đông, cách Cửa Tùng 14 hải lý, cách Cửa Việt 17 hải lý; có diện tích gần 2,3km, với 19 hộ dân/76 khẩu, dân số còn lại cán bộ, nhân viên huyện đảo Cồn Cỏ và các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo. Cồn Cỏ có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ, bảo vệ đất nước; là điểm A11 trên đường cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Sau một giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, xuất phát từ cảng Cửa Việt, di chuyển ra đảo bằng Tàu cao tốc Cồn Cỏ Tourist, phóng viên Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã có mặt trên đảo Cồn Cỏ. Tại đây, phóng viên chúng tôi đã có buổi làm việc, tham quan đảo và Đồn biên phòng dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của đồng chí Đồn trưởng – Trung tá Nguyễn Đình Cường và đồng chí Chính trị viên phó – Trung tá Hồ Củ Dùi. Có đến với đảo mới cảm nhận được tầm quan trọng đảo, là máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Giữ gìn, bảo vệ đảo, bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ then chốt của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân nói chung và của lực lượng biên phòng đầu sóng, ngọn gió nói riêng.
Trang sử Cồn Cỏ vẻ vang
Theo dòng lịch sử, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng, là con mắt thần của biển Đông. Chiến tranh khốc liệt, đảo Cồn Cỏ hứng chịu bom đạn của không quân, quân lực Hoa Kỳ. Do có vị trí chiến lược về quân sự nên đế quốc Mỹ đã tập trung không quân và hải quân đánh phá ác liệt xuống mảnh đất chưa đầy 4 km hòng huỷ diệt Cồn Cỏ. Có những ngày Cồn Cỏ phải hứng chịu 12 trận tập kích bằng không quân; có thời điểm tàu chiến của quân đội Mỹ bao vây đảo hàng tuần. CBCS đã anh dũng bám trụ kiên cường, đối mặt với quân thù đánh và chiến thắng hơn 1.000 trận lớn, nhỏ, bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến và tàu biệt kích Mỹ, bảo vệ an toàn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, làm cho Mỹ Ngụy phải kinh hoàng khiếp sợ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, đã có 34 CBCS và 70 dân quân anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Cồn Cỏ.
Với thành tích đã đạt được trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đảo, đảo Cồn Cỏ đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (1967 và 1970); ba lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công 1, 2, 3. Có 06 CBCS được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và động viên.
Sau ngày hoà bình lập lại, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, đảo Cồn Cỏ hồi sinh và thay da đổi thịt. Ngày 01/3/2002, có 40 người (nam, nữ) thanh niên xung phong là con, em của 3 xã: Vĩnh Quang; nay là Thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch; nay là xã Kim Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ra lập nghiệp lâu dài trên đảo.
Ngày 01/10/2004, Chính phủ thành lập huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, ngày 18/01/2005 Thường vụ Tỉnh uỷ có Quyết định thành lập Đảng bộ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của huyện đảo Cồn Cỏ; bộ phận cấu thành trong chiến lược phát triển kinh tế; biên giới lãnh thổ của tỉnh Quảng Trị nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo của nước ta nói chung.
Đồn biên phòng Cồn Cỏ - thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ chủ quyên biên giới hải đảo
Với vị trí và tầm quan trọng của đảo Cồn Cỏ, ngày 20/11/1997, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đồn biên phòng đảo Cồn Cỏ, phiên hiệu đồn 214 trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ngày 12/9/1998, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, đã tổ chức biên chế ra đảo Cồn Cỏ 17 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo. Trang cấp 02 chiếc tàu BP 30-04-01 và BP 30-06-01 của Hải đội II được giao nhiệm vụ vận chuyển toàn bộ CBCS và trang thiết bị cập âu tàu Cồn Cỏ
Sau khi đặt chân lên đảo, đơn vị gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, không có nhà ở, thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, đơn vị vừa phải triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo, vừa phải tập trung xây dựng doanh trại để ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt cho bộ đội.
Được Nhà nước đầu tư kinh phí 2,1 tỷ đồng, sau hơn một năm xây dựng, ngày 11/9/1999, Đồn biên phòng đã có nhà ở và làm việc. Từ lúc thành lập đến nay, đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn về nơi ăn, ở, sinh hoạt, nhanh chóng tiến hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; không ngừng giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS phát huy phẩm chất "Anh bộ đội Cụ Hồ" tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, phát huy truyền thống. Vượt qua mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển, đảo, nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Trong 24 năm qua đơn vị đã được 04 lần đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng", được UBND tỉnh, Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và cá nhân cán bộ chiến sỹ trong đơn vị.
Một số kết quả mà Đồn Biên phòng Cồn Cỏ thực hiện được, cụ thể: Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã phối hợp điều tra, xác minh làm rõ 37 vụ vi phạm pháp luật, xử lý VPHC 27 đối tượng, phạt 300 triệu đồng; bắt giữ 02 đối tượng gây rối TTCC. Thông tin liên lạc cho trên 5.603 lượt phương tiện có 11.989 lượt ngư dân tránh bão, áp thấp nhiệt đới, neo đậu an toàn. Tổ chức di dời trên 500 lượt người dân từ các vùng có nguy cơ ảnh hưởng bão vào những nơi an toàn, tổ chức hơn 600 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy, mưa bão...chu các tàu gặp nạn trên biển trên 150 vụ cứu sống 560 ngư dân. Trao tặng cho người dân, ngư dân 85 phao tròn, 86 áo phao, 55 lá cờ Tổ quốc, trên 1000 tờ rơi tuyên truyền chủ quyền biển đảo và phòng chống dịch Covid-19.
Kêu gọi tàu thuyền và lao động, làm ăn trên biển vào u đảo trú ẩn an toàn khi có các cơn bão, ATNĐ đổ bộ vào khu vực địa bàn; CBCS tham gia chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền. Lực lượng ngư dân trên đã phối hợp với đồn Biên phòng Cần Có và các lực lượng khác tham gia cứu hộ, cứu nạn với tinh thần quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đồn biên phòng Cồn Cỏ - điểm sáng văn hoá trên biên giới biển, đảo
Qua 30 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trong Bộ đội Biên phòng. CBCS đơn vị luôn phấn khởi tự hào với kết quả đã đạt được, 100% CBCS nhận thức đúng nội dung, mục tiêu yêu cầu của cuộc vận động, nhận thức đúng về kết quả thực hiện của bản thân, phát huy truyền thống, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Cấp ủy, chỉ huy luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CBCS, không ngừng củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, thi đua xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; có phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vui chơi giải trí sinh động phong phú, luôn phát huy tốt dân chủ.
Đồn đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục bà con ngư dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên, môi trường trên vùng biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ xuống tận các tàu thuyền, làng xóm để tuyên truyền cho ngư dân về các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Đơn vị đã phối hợp với địa phương đẩy mạnh thực hiện các chương trình vận động giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, tích cực vươn lên giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống. Thực hiện nhiều chương trình nhân đạo ý nghĩa, Đơn vị đã nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường” cho 2 em học sinh với số tiền 500.000 đồng/tháng và đỡ đầu 2 cháu với số tiền 200.000 đồng/tháng trong mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đơn vị phối hợp với Trung tâm Y tế và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid -19 không để lây lan trên địa bàn huyện. Tham mưu cho địa phương thành lập tổ, chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào địa bàn…, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Đơn vị tích cực tham gia các chương trình “Chiến dịch hãy làm sạch biển”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, tháng hành động vì môi trường, thu gom, xử lý rác thải, phát quang, dọn dẹp các trục đường, vận động các hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất giữ gìn vệ sinh môi trường... Đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Mỗi đợt bão lũ, đơn vị đều tổ chức thông báo, tuyên truyền cho người dân, phương tiện về nơi tránh trú bão an toàn.
Sau 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng với tinh thần trách nhiệm của CBCS đã tập trung công sức đầu tư xây dựng sửa chữa doanh trại ngày càng đẹp hơn, xây dựng vườn hoa, cây cảnh, cảnh quan môi trường, khu vui chơi giải trí, phòng Hồ Chí Minh... Chú trọng quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như tủ sách, phòng câu lạc bộ chiến sĩ, hệ thống loa máy, loa Karaoke, trị giá hàng trăm triệu đồng đảm bảo đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho cán bộ chiến sĩ. Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng đẩy mạnh xây dựng cảnh quan như hệ thống điện chiếu sáng, đường bê tông xung quanh đơn vị, làm bậc thang xuống lên u tàu trị giá 400 triệu đồng, đường bê tông trong nội bộ khuôn viên vườn tăng gia trị giá 10 triệu đồng, xây dựng phòng Hồ Chí Minh trị giá 15 triệu đồng, lắp đặt máy tắm nóng lạnh nhà tắm CBCS 17 triệu đồng, ... củng cố hệ thống biển bảng tạo môi trường cánh 1 quan xanh - sạch - đẹp, kết hợp với việc xây dựng tác phong, phong cách người quân nhân cách mạng, xây dựng nếp sống ứng xử văn hoá, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tác động của văn hoá xấu độc, các tệ nạn xã hội vào đơn vị, tạo khí thể vui tươi lành mạnh giúp cán bộ chiến sĩ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, Trung tá Nguyễn Đình Cường - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cồn Cỏ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết: "Qua 30 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội gắn với phong trào toàn dân xây dựng đời sống đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, Đồn đã đạt được nhiều thành tích nhất định, ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân cũng như chính quyền. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, Ban chỉ huy đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì về vị trí, vai trò, ý nghĩa xã hội, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa trong Bộ đội Biên phòng xứng với danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ”. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm vai trò của lực lượng biên phòng trong việc thực hiện hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để có được Cồn Cỏ như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực không mệt mỏi, có máu, có nước mắt, có những giọt mồ hôi của các cấp chính quyền, của quân và dân ta. Trong tương lai không xa, đảo Cồn Cỏ sẽ tiếp tục đổi mới tạo nên một địa chỉ sáng trong phát triển văn hóa, du lịch, gắn liền với đó là nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn càng được nâng cao. Trong xu thế hội nhập, hòa bình và phát triển đi lên của đất nước nói chung, đảo Cồn Cỏ nói riêng có sự đóng góp vô cùng quan trọng của những người cán bộ, chiến sỹ thầm lặng mang quân hàm xanh - lực lượng Biên phòng Việt Nam.