Theo đó, Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Về trách nhiệm phòng, chống ma túy, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của người đã từng bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc bị phát hiện là người nghiện ma túy; trách nhiệm của chủ thể kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, karaoke, khách sạn…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung Chương II của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống ma túy đã bao gồm người đã từng sử dụng trái phép chất ma tuý, người đã từng nghiện ma tuý và các chủ thể kinh doanh trong đó có kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, karaoke, khách sạn….
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của người lần đầu sử dụng chất ma túy, người tái sử dụng chất ma túy, người nghiện ma túy tại Chương IV và Chương V tương ứng ở từng biện pháp quản lý bị áp dụng.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Dược, nếu có quy định thì chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc dẫn chiếu sang Luật Dược…
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, theo bà Nguyễn Thuý Anh, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cơ bản được thực hiện theo pháp luật về dược.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định nguyên tắc dẫn chiếu pháp luật về dược; dự thảo chỉ quy định những hoạt động, nội dung mà Luật Dược chưa điều chỉnh.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 16 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và linh hoạt trong quá trình điều hành thực tiễn.
Riêng trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được thực hiện theo pháp luật về hóa chất. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị không tiếp tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện mà tái nghiện; bổ sung ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong hồ sơ. Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng này.
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại quy định về lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy; áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam; miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc…
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có một số điểm mới, như các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên.
Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này; bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy.
Qua đó, người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ trong thời hạn 1 năm bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Minh Hạnh