Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): UBND địa phương thẩm định đánh giá tác động môi trường

Hà Anh|17/11/2020 09:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chiều nay 17-11, với 91,91% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết. Riêng quy định thời điểm có hiệu lực về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để thực hiện đồng bộ với thi hành Luật Đầu tư công, thực hiện sớm hơn so với hiệu lực chung của Luật. Theo đó, khoản 3 Điều 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-2-2021.

Vẫn không luật hóa công khai báo cáo ĐTM

Trước đó, trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm UBKHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, ngày 24-10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự luật. Đa số ý kiến các ĐBQH tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự luật.

Tại buổi làm việc với các chuyên gia vào ngày 5-11, trước thời điểm Luật được thông qua, để tiếp thu các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã khẳng định, luật đã quy định doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai (cho cơ quan quản lý nhà nước – PV) thì cơ quan quản lý nhà nước cũng công khai. Từ đó, Bộ trưởng Hà đề nghị quy định vào dự thảo là cơ quan quản lý nhà nước sẽ công khai báo cáo ĐMT.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) 

Tuy nhiên, là luật vừa thông qua không quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải công khai báo cáo này. Tại khoản 2 điều 38 dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM chỉ có trách nhiệm “công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Luật này cũng chỉ quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều chuyên gia, tổ chức đã có kiến nghị về vấn đề này vì cho rằng, đây là “bước thụt lùi” so với luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2014, báo cáo ĐTM là thông tin môi trường phải công khai.

Phân nhóm dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, tiếp thu ý kiến đa số các vị ĐBQH, Luật đã chỉnh lý theo hướng các tiêu chí đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với dự thảo trước đó.

Trên cơ sở đó, việc phân nhóm dự án đầu tư được thực hiện theo tiêu chí về môi trường bảo đảm chính xác và khả thi hơn, phân thành 4 nhóm I, II, III và IV. Luật cũng định danh cụ thể tiêu chí của từng nhóm để làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III.

ĐBQH bấm nút thông qua luật

Điều 28 Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo ý kiến của ĐBQH và đổi tên thành “Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư” để không lẫn với phân loại dự án theo tiêu chí đầu tư.

Luật cũng quy định, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM). Phương án này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.

Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) ở ngay giai đoạn này.

UBND địa phương thẩm định đánh giá tác động môi trường

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, sau khi lấy ý kiến các ĐBQH, luật đã chỉnh lý theo phương án giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, thể hiện tại Điều 35 của Luật.

Để nâng cao năng lực chuyên môn của các địa phương và tăng cường sự phối hợp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Luật đã bổ sung tại khoản 3 Điều 35 trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.

Về giấy phép môi trường, luật quy định rõ việc phối hợp này phải được tiến hành ngay từ giai đoạn thực hiện ĐTM; quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường trong trường hợp dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, thì cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý công trình thủy lợi đó.

Về thực hiện đầu tư công trình phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, Luật đã quy định chủ cơ sở phải có công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, Chính phủ sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể đối tượng phải có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho phù hợp thực tiễn. Luật đã quy định rõ phân cấp sự cố và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường. Trong trường hợp phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường vượt ra ngoài phạm vi cơ sở, địa giới hành chính thì người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp để chỉ đạo ứng phó sự cố.

Hà Anh

Bài liên quan
  • Bộ TN&MT: Quản lý chất thải nguy hại chặt chẽ, rõ ràng
    Moitruong.net.vn – “Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại phải giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam, đồng thời, phải thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): UBND địa phương thẩm định đánh giá tác động môi trường