Cụ thể, với 91,25% đại biểu có mặt tán thành (438/440), Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới.
Sau khi miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Sáng 5/4, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước chiều 2/4.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông giữ chức Tổng bí thư trong 3 khóa (XI, XII, XIII); là Ủy viên Bộ Chính trị 6 khóa (từ khóa VIII đến khóa XIII); Ủy viên Trung ương 7 khóa (từ khóa VII đến khóa XIII) và là đại biểu Quốc hội 4 khóa (từ khóa XI đến khóa XIV).
Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (10/2018) – khi đang giữ cương vị Tổng bí thư. Sau rất nhiều nhiệm kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người đứng đầu Đảng, đồng thời cũng là người đứng đầu Nhà nước.
Phát biểu nhậm chức khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tâm trạng “vừa mừng, vừa lo”. Mừng vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước nêu rõ trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Minh Hạ