Theo luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, căn cứ phụ lục IV và phụ lục V ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3 phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Nhà chung cư (trong đó có cả chung cư mini), nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
"Như vậy, theo quy định này, chung cư mini dù cao trên 7 tầng hay dưới 5 tầng thì đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC" - luật sư cho biết.
Căn cứ Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về PCCC, yêu cầu về PCCC với chung cư mini được quy định với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn.
Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt. Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn.
Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn; có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy.
Những người được phân công nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên, ngoài những yêu cầu về PCCC cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì với chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
Từ hậu quả vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội và qua diễn biến ban đầu cho thấy, hầu như khu vực xảy ra cháy, các quy định về PCCC tại chỗ còn chưa được đảm bảo.
Vì vậy, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy là gì, chung cư mini trước khi xảy ra vụ cháy có đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định pháp luật. Chung cư có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động chữa cháy khi có sự cố.
Trường hợp công trình chung cư mini này đã hoàn thiện và đã được bàn giao không có hệ thống PCCC hoặc hệ thống PCCC không đảm bảo, thì trách nhiệm sẽ thuộc về chủ sở hữu công trình chung cư mini này (chủ nhà).
Qua sự việc cho thấy, đây là vụ cháy rất thương tâm xảy ra vào lúc nửa đêm, khi nhiều người đã về nhà và nhiều người đang ngủ dẫn tới phản ứng chậm, đưa đến hậu quả thương tâm, thiệt hại lớn về người và tài sản.
Do đó, cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý, trường hợp có dấu hiệu vi phạm PCCC dẫn tới hậu quả chết người, thiệt hại tài sản lớn thì chủ sở hữu công trình và những người liên quan trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC.
Theo Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, theo kết quả xác minh ban đầu, công trình có giấy phép xây dựng ngôi nhà thuộc loại nhà ở riêng lẻ 6 tầng chứ không phải là chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư. Nhưng thực tế thì ngôi nhà này được xây dựng tới 9 tầng và một tum, nghĩa là đã vượt số tầng so với giấy phép xây dựng.
Theo quy định của pháp luật, xây nhà từ 7 tầng trở lên thì phải có thiết kế về phòng cháy chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau khi thi công công trình đảm bảo đúng thiết kế đã được phê duyệt thì phải được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mới đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, với hành vi xây dựng sai với giấy phép như vậy, rõ ràng tòa nhà này sẽ không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt về thiết kế cũng như nghiệm thu về kết quả thi công phòng cháy chữa cháy.
"Với kết quả xác minh như trên, có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với chủ đầu tư công trình này là có căn cứ" , luật sư Cường khẳng định.
Theo Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, hậu quả vụ cháy được xác định thiệt hại đến tính mạng 56 người, nhiều người bị thương tích nghiêm trọng đang phải cấp cứu và thiệt hại đặc biệt lớn đối với nhiều tài sản của các hộ dân nên người đàn ông này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là phạt tù từ 7 năm đến 12 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 313 bộ luật hình sự:
Với số người thương vong quá lớn như vậy, chủ chung cư mini sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất của tội danh này, có thể tới 12 năm tù.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở thủ tục tố tụng hình sự, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội trong vụ án này còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân, bao gồm: chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ sở đối với những người bị thương tích.
Đối với những nạn nhân tử vong, chủ chung cư mini phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền tổn thất tinh thần cho thân nhân của nạn nhân và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các nạn nhân, người phạm tội trong vụ án có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản với những người bị hại.
Thiệt hại về tài sản trong vụ án này sẽ rất lớn. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu định giá tài sản để xác định thiệt hại về tài sản, làm cơ sở quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị can trong vụ án này. Đây là trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.
Về nguyên tắc các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, không thỏa thuận được có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Trường hợp không nhận thức được hành vi sai phạm của mình, không có ý thức khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.