Rác thải điện tử – Loại rác thải độc hại

Ngọc Lan (T/H)|08/09/2018 23:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018: Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chiến dịch “Bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng”

(Moitruong.net.vn) – Rác thải điện tử đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn rác thải điện tử các loại. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải điện tử vẫn đang là vấn đề đau đầu.

>>>Vương Quốc Anh: Khánh thành nhà máy điện gió biển lớn nhất thế giới

>>>Pháp: Những lời hứa “đỉnh” của Tân Bộ trưởng Môi trường François de Rugy

Rác thải điện tử. Ảnh minh họa

Theo Nguyễn Đức Quảng, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ trên Petrotimes, rác thải điện tử là một nhóm chất thải đặc thù phát sinh chủ yếu từ hộ gia đình và các văn phòng, công sở… Đó là các thiết bị điện tử gia dụng bị hỏng không còn khả năng phục hồi hoặc không còn được sử dụng bởi lỗi mốt. Trong các dòng rác thải hiện nay, rác thải điện tử được quan tâm chú ý đến nhiều nhất vì đây là dòng rác thải có tốc độ phát sinh được coi là lớn nhất, trong các loại rác thải sinh hoạt nói chung, có nhiều chất và hợp chất được coi là độc hại khi thải bỏ, có nhiều loại kim loại quý hiếm.

Ở Việt Nam, rác thải điện tử còn được quan tâm bởi cơ sở hạ tầng hạn chế đối với việc tái chế và xử lý loại chất thải này, cũng như sự phân biệt còn mơ hồ giữa một dạng chất thải nguy hại và một dạng tài nguyên đô thị điển hình. Chưa kể đến những vấn đề có liên quan đến vận chuyển xuyên biên giới các rác thải được coi là nguy hại.

Rác thải điện tử cũng được đánh giá là nguồn tài nguyên khi bản thân nó có chứa rất nhiều chất và hợp chất khác nhau, trong đó có nhiều thành phần là tài nguyên không tái tạo được như kim loại, kim loại quý, đất hiếm. Đồng thời, đây cũng là nguồn rác thải nguy hại, bởi trong các chất và hợp chất của rác thải điện tử có nhiều loại chất thải nguy hại. Khi được tháo dỡ và xử lý không đúng cách, các chất thải này sẽ đi trực tiếp vào môi trường và tác động đến sức khỏe con người.

Bản thân thiết bị điện tử gia dụng, nếu không bị phá dỡ hoặc bảo quản trong điều kiện thông thường thì không giải phóng các chất thải nguy hại đó, hoặc với lượng rất nhỏ và vì vậy, chưa được coi là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, khi phá dỡ lấy vật liệu bằng thủ công hiện nay thì quá trình này giải phóng chất thải nguy hại ra theo nhiều con đường, từ môi trường không khí như hơi thủy ngân, bụi mịn chứa PBDE, PBDD, đến chất thải rắn như thủy tinh chứa chì, các linh kiện điện tử chứa kim loại như cadmium, selen, crom, chì….

Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có chính sách riêng cho việc xử lý loại rác thải nguy hại này. Tại Mỹ, một số thành phố như New York hay Washington, các bộ luật yêu cầu chính nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm do mình làm ra thông qua các điểm thu gom tái chế tập trung, hoặc thuê các công ty bên thứ ba phụ trách. Người dân chỉ việc vận chuyển thiết bị tới các địa điểm tập trung này, các đơn vị nói trên sẽ tập kết chúng về kho và tiến hành phân loại.

Nếu không thể tái sử dụng, các thiết bị sẽ được đốt hoặc tháo rời linh kiên để lấy kim loại quý. Một số công ty lớn có quy trình và hệ thống thu gom, đánh giá và tái chế sản phẩm khá chuẩn mực. Một phần để thể hiện trách nhiệm xã hội, nguyên nhân khác để tránh việc xuất hiện các sản phẩm giả, nhái trên thị trường.

Để bỏ một thiết bị điện tử gia dụng ở Nhật Bản, điều đầu tiên cần xem xét không phải là nó có thể bán được bao nhiêu tiền mà là phải tốn bao nhiêu chi phí tái chế để chi trả cho các tổ chức có liên quan.

Luật về tái chế đồ gia dụng của Nhật Bản, có hiệu lực với các sản phẩm bao gồm TV, tủ lạnh, máy giặt máy sấy và điều hòa không khí… yêu cầu chính nhà sản xuất thiết bị phải chịu trách nhiệm về việc tái chế các thiết bị cũ hỏng. Điều này có nghĩa là các công ty phải thành lập hoặc thuê các nhà máy tái chế xử lý. Trong khi đó, việc thu gom vận chuyển các thiết bị này tới nhà máy tái chế thuộc về trách nhiệm của các nhà phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho hai công việc kể trên.

Còn tại Nhật Bản, theo thống kê, một người tiêu dùng Nhật Bản phải trả khoảng 23,5 USD (khoảng 500.000 đồng) cho đơn vị bán lẻ hoặc bưu điện khi muốn loại bỏ một thiết bị điện tử gia dụng cũ hỏng. Sau đó, họ sẽ nhận được thông tin về thời gian và địa điểm để giao thiết bị cho đơn vị tái chế.

Matsushita Kanto là một công ty chuyên xử lý các thiết bị gia dụng cũ hỏng. Kể từ năm 2011, công ty xử lý trung bình mỗi năm 550.000 thiết bị. Nhựa và các loại kim loại được tháo ra, nghiền nát và tinh chế. Một phần được bán lại cho các công ty như Panasonic hay Mitsubishi, số khác được bán ra bên ngoài. Đơn vị này thậm chí còn sử dụng nhà máy như một lớp học để giáo dục cộng đồng về quy trình tái chế rác thải điện tử.

Tại Nhật Bản, các thiết bị điện tử gia dụng cũ được xem là “một kho báu”. Tủ lạnh có thể tái chế tới 50% thép và 40% nhựa; TV có thể tháo rời 57% kính, 23% nhựa và 10% thép; máy giặt có thể tháo dỡ 53% thép và 36% nhựa; điều hòa không khí có thể lấy ra 55% thép, 17% đồng, 11% nhựa và 7% nhôm.

Chưa hết, trong quy trình sản xuất thiết bị gia dụng ở Nhật Bản, có một yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với tỷ lệ tài nguyên có thể tái chế. Ví dụ, một chiếc TV phải được thiết kế để đảm bảo rằng hơn 50% vật liệu trong tổng trọng lượng của nó có thể tái chế trong tương lai. Tỷ lệ này ở tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí thậm chí còn cao hơn, có thể đạt 60% đến 70%.

Còn tại Việt Nam, dường như vấn đề xử lý loại rác thải điện tử vẫn còn đang là vấn đề đau đầu của nhiều cơ quan chức năng.

Cần khuyến khích tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam

Theo ông, Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) chia sẻ trên Petrotimes, rác thải điện tử được phân ra theo các nguồn: Thiết bị sử dụng trong gia đình, văn phòng và rác thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất. Nguồn thải từ các nhà máy sản xuất được quản lý theo quy định hoạt động sản xuất công nghiệp, còn với rác thải điện tử từ hộ gia đình thì chưa được kiểm soát.

Việt Nam hiện nay, rác thải điện tử hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường.

Hiện chúng ta mới chỉ tái chế rác thải điện tử ở giai đoạn thô sơ, sau đó xuất sang nước khác. Do đó, cần có chính sách đầu tư, khuyến khích, ưu đãi về vay vốn, công nghệ cho các cơ sở tháo dỡ và tái chế chính thức, đủ năng lực thu hồi, tái chế.

Cùng với đó, cần tuyên truyền ý thức người dân, đem các sản phẩm điện tử thải bỏ đến cơ sở thu gom chính thức. Muốn làm được điều đó, các đơn vị sản xuất phải có hệ thống thu gom và biện pháp khuyến khích về kinh tế để người dân tham gia.

Trách nhiệm đối với sản phẩm thải bỏ nói chung và rác thải điện tử nói riêng cần được chia sẻ giữa các bên, kể cả người tiêu dùng, đó là trách nhiệm xã hội đối với tất cả công dân.

Ngọc Lan (T/H)

Bài liên quan
  • Hà Tĩnh triển khai mô hình “Cộng đồng dân cư không rác thải nhựa”
    Với những hoạt động đa dạng, thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng dân cư, việc triển khai mô hình “Cộng đồng dân cư không rác thải nhựa” đã bước đầu cho thấy những thay đổi tích cực trong thói quen sinh hoạt của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Rác thải điện tử – Loại rác thải độc hại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.