(Moitruong.net.vn) – Hội nghị Bộ trưởng G7 về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch diễn ra từ ngày 19 đến 21-9 tại Canada tập trung vào các nội dung trọng tâm như vấn đề rác thải nhựa đại dương, giảm lượng khí thải carbon, cách ứng phó của khu vực duyên hải với thời tiết cực đoan… Theo bà Catherine McKenna, nội dung bao trùm nhất là vấn đề rác thải nhựa theo Hiến chương G7 về ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương.
>> TP.HCM: Quyết tâm xử lý rác thải và mùi hôi
>> Hà Nội: sẽ xây dựng thành phố thông minh
Cũng chính vì vậy, Hội nghị các Bộ trưởng đặc trách về môi trường của G7 được nước chủ nhà chọn tổ chức ở thành phố Halifax thuộc tỉnh Nova Scotia, một tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào môi trường biển để phát triển ngư nghiệp và du lịch của Canada. Nước chủ nhà muốn gây tiếng vang lớn để thay đổi cả nhận thức và hành động nhằm ngăn chặn rác thải nhựa đại dương, một hiểm họa lớn với các đại dương chiếm 75% diện tích bề mặt Trái đất.
Rác thải nhựa, mối đe dọa của đại dương
Ô nhiễm đại dương do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra các đại dương, và hiện có hơn 50 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên khắp các vùng biển toàn cầu.
Hiện có khoảng 3 tỷ người trên thế giới có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Trong khi đó, rác thải nhựa đang được coi là “tử thần” của các loài sinh vật biển khi mỗi năm có tới 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi đều đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa, mà nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên thế giới sẽ đạt mức 12 tỷ tấn, nhiều hơn số lượng cá của các đại dương cộng lại.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Môi trường G7 cũng gặp không ít khó khăn trong việc làm sao để giảm thiểu lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên, nhất là sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris. Rất đáng lo ngại khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết sau 3 năm duy trì ở mức ổn định, lượng khí thải carbon từ hoạt động sử dụng năng lượng đã tăng lên mức cao kỷ lục 32,5 tỷ tấn trong năm 2017.
Điều này sẽ khiến thế giới càng khó khăn hơn trong việc thực hiện mục tiêu kìm giữ nhiệt độ bề mặt Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ trước khi nổ ra cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu năm 1750. Nhiệt độ bề mặt Trái đất gia tăng đang làm thời tiết toàn cầu ngày càng cực đoan hơn với đợt khô hạn, mưa lũ… và đặc biệt là bão nhiệt đới ngày một lớn và bất thường hơn. Thiệt hại khủng khiếp từ các siêu bão “quái vật” như bão Katrina ở châu Mỹ, bão Haiyan… và mới nhất là bão Mangkhut tại châu Á. Những siêu bão ngày càng mạnh gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho các vùng duyên hải.
Nhiều vấn đề môi trường như rác thải nhựa đổ ra đại dương hay phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính… đã lên tới mức báo động, cấp thiết phải hành động để giải quyết. Và điều đó đang được đặt lên trên bàn của các Bộ trưởng Môi trường của nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.
Việt Nam cũng là một trong 9 nước được mời tham dự Hội nghị này.
Hải Hà (TH)