Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả RTN nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người (1990) lên 41,3kg/năm/người.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Sĩ Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, 80% RTN có nguồn gốc lục địa, thải ra biển từ các dòng sông. Sông Mê Kông là 1 trong 10 con sông có tải lượng RTN lớn nhất thế giới.
Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Việt Nam đang nỗ lực quản ý RTN đại dương. Theo đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Việt Nam đã ban hành hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu: Đến năm 2030, 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển. Giảm thiểu 75% RTN đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn RTN. Mở rộng hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại các cửa sông thuộc 6 lưu vực sông chính, các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 6 huyện đảo còn lại.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quản lý RTN và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách cũng như nguồn lực tài chính để thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trong việc tạo nguồn dữ liệu về quản lý RTN.
Minh Anh (T/h)