Trong khi tác nghiệp người làm báo cũng phải đặt ranh giới của sự lựa chọn, đặc biệt trong thiên tai, dịch họa phải lựa chọn là “người cứu hỏa hay là người châm lửa”, tựu chung để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Đây là quan điểm của Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).

Người làm báo giữ vững được sự can trường

Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hiện công tác tại Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam. Trước đây, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bắt đầu với vai trò quay phim. Từ sự yêu nghề và nỗ lực, anh chuyển hướng làm đạo diễn phim tài liệu.

“Ban đầu làm quay phim trong quá trình đi làm việc, được học hỏi trải nghiệm tôi đã ý thức, tích lũy từ thực tế, những câu chuyện đời thường, sau đó bắt đầu hướng tới làm đạo diễn phim tài liệu, tôi muốn truyền tải hơi thở cuộc sống, những vấn đề được xã hội quan tâm vào trong phim và dường như chỉ có phim tài liệu mới truyền tải hết được”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ câu chuyện cơ duyên đến với nghề.

Anh từng được khán giả biết đến với những bộ phim tài liệu không lời bình như "Hai Đứa Trẻ", "Lời Nhắn", "Cây Đời”,…Trong đó, bộ phim “Hai đứa trẻ” đã đạt giải Cánh Diều Vàng cho phim tài liệu và Cánh Diều Vàng cho đạo diễn xuất sắc năm 2016. Bộ phim này cũng giúp anh đoạt Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2017 và giải thưởng của ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội - HANIFF năm 2018.

dao-dien-ta-quynh-tu.jpg
Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư

Sau đó, anh tiếp tục cho ra đời các tác phẩm như "Miền Đất Hứa" nói về cuộc sống của các cô dâu ở Đài Loan và đã đạt Cánh Diều Bạc năm 2017 cho phim tài liệu và giải nhì Giải thưởng Truyền hình Thế giới của Viện Phát triển Truyền hình châu Á Thái Bình Dương - AIBD năm 2018.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư xuất sắc nhận 2 giải Bông sen vàng cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc và Phim tài liệu xuất sắc nhất cho tác phẩm "Ranh giới".

Không đình đám như phim điện ảnh hay truyền hình, phim tài liệu được ví như những “nốt trầm xao xuyến”. Song, sức sống của phim lại dễ dàng len lỏi sâu vào đời sống xã hội để tạo nên những cơn “địa chấn” ngầm.

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, rất nhiều ê-kíp đã bất chấp nguy hiểm, đi vào tâm dịch để ghi lại những hình ảnh chân thực, khốc liệt và đầy xúc động. Trong đó, “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã gây “dậy sóng” khán giả cả nước khi chuyển tải những hình ảnh tại bệnh viện dã chiến khu K1 - Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP. HCM), nơi điều trị các sản phụ F0, những khoảnh khắc cận sinh tử của bệnh nhân khiến nhiều người ám ảnh, bởi nó chạm đến tận cùng của nỗi sợ hãi, nỗi đau,…

Chỉ hơn 50 phút, với phương pháp làm phim không lời bình, chương trình đã cho người xem trực tiếp đến “hiện trường” để chứng kiến “cuộc chiến” của những y bác sĩ tuyến đầu với thần chết để giành lấy sinh mạng không chỉ một mà là hai người cùng lúc.

Bộ phim không có lời bình, chỉ có tiếng nhân viên y tế trao đổi trong những phút chạy đua giành lại sự sống cho bệnh nhân. Toàn bộ hình ảnh đều diễn ra căng thẳng, bức bối, tiếng máy đo nhịp tim.

Có một kỷ niệm khó quên liên quan đến sau này khi bộ phim được phát sóng không che mặt nhân vật trong phim, “trong câu chuyện không che mặt thì đã được tính toán rất kỹ là muốn truyền tải sự thật, sự thật che mặt thì giảm đi tính sức nặng của sự tuyên truyền. Ngoài ra, một yếu tố đặc biệt khác trước lúc phát sóng thì những nhân vật trong phim của tôi không ai còn nữa cho nên tôi muốn giữ lại khoảnh khắc trân trọng sự hiện diện cuối cùng các nhân vật, để cho gia đình được nhìn thấy lần cuối và cái ý này của tôi đã đúng bởi sau khi phát sóng được 1 tuần thì có mấy gia đình đã tìm, liên hệ xin lại tư liệu của người thân để họ giữ làm kỷ niệm, đó là điều khó quên khi tôi tác nghiệp tại khu K1”, anh Tư nhớ lại.

Giữa “điểm nóng” của dịch bệnh, với sự can trường của người làm báo giúp anh và ê-kíp đưa phim “Ranh giới” tác động tâm lý lớn tới ý thức phòng, chống dịch của người dân cả nước, “nhiều bệnh nhân khi tôi vào K1 có thể hôm nay trò chuyện bình thường, nhưng sau đó chuyển biến rất nhanh chỉ 3-4 ngày sau đã lịm đi, cái khó khăn là làm thế nào để đấu tranh, làm thế nào để truyền tải những câu chuyện những sự khắc nghiệt kinh khủng nhất cái giai đoạn đấy tới người dân Việt Nam để bộ phim có sự tác động tới mọi người về việc bảo vệ, tránh lây nhiễm cộng đồng lớn hơn, bởi thời điểm đó chúng ta chưa có tiêm vắc xin đầy đủ cho toàn bộ người dân. Cho nên việc lây nhiễm diện rộng khiến đội ngũ y tế, cùng trang thiết bị vật tư y tế không đủ đáp ứng được. Đó là cái khó khăn, làm thế nào để bộ phim sớm ra và có tác động được tới cộng đồng”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bồi hồi chia sẻ.

tac-nghiep-bao-chi.jpg
“Ranh giới” ghi lại hành trình cứu chữa, giành giật sự sống cho các sản phụ là F0

Đề cập về quan điểm tác nghiệp trong thiên tai dịch họa, Nhà báo, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho rằng, người làm báo cũng phải đặt ranh giới của sự lựa chọn, đặc biệt khi tác nghiệp trong thiên tai, dịch họa phải lựa chọn là “người cứu hỏa hay là người châm lửa” bởi nếu như ta làm không khéo đưa tin trong thiên tai dịch họa thì ta sẽ là người “châm lửa” chứ không phải là người “cứu hỏa”, lúc nào là người “cứu hỏa” lúc nào là người “châm lửa” đòi hỏi mỗi người làm báo phải xác định một ranh giới, một quan điểm vững vàng và sự dũng cảm, cũng như là tri thức để lựa chọn đưa tin. Mục đích cuối cùng phải hướng tới cái chung, cái lớn nhất để đóng góp vào trong công tác tuyên truyền, hướng đến cuối cùng là vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội, của quốc gia. Trong làm phim tài liệu cũng vậy, đúng đủ, cái yếu tố lớn nhất là sự thật, trong sự thật truyền tải được cảm xúc nữa nó sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến độc giả.

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, những nhà báo, phóng viên luôn xung kích tới những nơi “nóng bỏng” nhất, dù thời chiến hay thời bình để đưa những thông tin quý giá đến với công chúng.

Ấp ủ đề tài về môi trường

Nói về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu làm nghề, tôi đã luôn ấp ủ muốn làm những phim truyền tải về vấn đề môi trường. Quá trình đi làm đã cho tôi gặp được rất nhiều người, rất nhiều tầng lớp, nghề này giúp cho mình có cái lợi đó là học được ở trường đời rất nhiều, trong quá trình đó tôi đã gặp những người nông dân, người ta đã cho tôi nhìn nhận về vấn đề môi trường rất lớn, đặc biệt là vấn đề về ý thức của con người với môi trường. Từ trước đến nay có một cái vòng tròn rất luẩn quẩn, tức là người thì trồng cây, cây sống nhờ đất, đất thì cho con người ta đi lại và nuôi dưỡng con người, trong cái vòng luẩn quẩn này nó bền chặt hay tách rời cũng là do con người, nhiều khi chúng ta chạy theo cái mục đích của mình “chăm cây nhưng lại không dưỡng đất”, hay có thể nói chúng ta không nghĩ tới vấn đề xả thải và nhiều vấn đề khác liên quan, cho nên đã có hậu quả, nhiều bài học đau lòng xảy ra về môi trường và tôi nghĩ rằng nếu không ý thức tốt trong tương lai vấn đề môi trường không chỉ làm ảnh hưởng mà sẽ hủy hoại cả hệ sinh thái của trái đất nơi mà chúng ta đang sinh sống. Làm bộ phim tài liệu về môi trường là mong muốn vẫn được nuôi dưỡng và hy vọng một ngày nào đó khi có một đề tài đủ hay, đủ sức mạnh truyền tải thì tôi sẽ bắt tay vào thực hiện và cũng mong muốn là đến khi không còn làm nghề nữa sẽ hoàn thành ít nhất là 1 bộ phim về đề tài môi trường để hy vọng nó sẽ có tác động tới khán giả, nhất là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai sau này hiểu được rằng vấn đề môi trường vô cùng quan trọng đối với cuộc sống quanh ta”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
"Ranh giới" làm nghề
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.