Rừng Quảng Nam thu hút các dự án bảo tồn đa dạng sinh học

Vũ Thành|28/11/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, rất nhiều dự án phi chính phủ đã chọn Quảng Nam là điểm đầu tư, triển khai các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân.

Với quan điểm, công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sinh kế người dân, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đó là mục tiêu Quảng Nam luôn theo đuổi. Ông Bửu cũng cho hay, những năm gần đây, mức thu từ dịch vụ môi trường rừng của Quảng Nam luôn đạt bình quân hơn 200 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều chi trả cho hơn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và cộng đồng. 

bao-ton-da-dang-sinh-hoc.png
Các loài thú quý hiếm đã quay trở lại rừng

“Điều này có nghĩa, lực lượng chuyên trách và cộng đồng vừa giữ rừng và có sinh kế. Kinh phí dịch vụ môi trường rừng luôn tăng và ở mức cao cho thấy Quảng Nam bảo vệ rừng tốt và nguồn nước nhiều để thủy điện vận hành hiệu quả” – ông Bửu cho biết.

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 22 quy định nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện giai đoạn 2023 – 2025. Và, UBND tỉnh cũng ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện đến năm 2025. Mục đích ban hành các nghị quyết, chương trình này cũng là bảo vệ rừng và tạo sinh kế bền vững cho người dân. 

Việc WWF Việt Nam (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) tiếp tục triển khai các dự án Thuận thiên, bảo vệ, phục hồi rừng… rất phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp của Quảng Nam.

bao-ton-da-dang-sinh-hoc-1.jpg
Cánh rừng nguyên sinh vùng biên Tây Giang được bảo vệ tốt thông qua các dự án WWF tài trợ

Ông Văn Ngọc Thịnh - Tổng giám đốc WWF Việt Nam cho biết, Quảng Nam là một trong những vùng ưu tiên về đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung. Đồng thời thuộc 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu. Do đó, việc hợp tác bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì độ che phủ rừng là điều vô cùng quan trọng.

Trong 20 năm qua, WWF Việt Nam đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thành lập các khu bảo tồn phục vụ công tác đa dạng sinh học. Đồng thời, rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã thông qua WWF Việt Nam chọn Quảng Nam là điểm đến các dự án.

Tính đến nay, đã và đang có 6 dự án phi chính chủ triển khai tại Quảng Nam, bao gồm các dự án Dự trữ các bon và bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo tồn đa dạng sinh học; Đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững, trao quyền cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi rừng và đa dạng sinh học, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm xuyên quốc gia; Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại khu vực trung Trường Sơn; Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng. Tổng kinh phí thực hiện các dự án ước tính khoảng 95,8 tỷ đồng.

“Tín hiệu tích cực mà các dự án đang mang lại là giá trị đa dạng sinh học ở Quảng Nam đang có bước phát triển tích cực. Thông qua các nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, chúng tôi ghi nhận nhiều loài thú quý hiếm đã quay trở lại và độ che phủ rừng tăng qua từng năm” - ông Thịnh chia sẻ.

Hiện, WWF Việt Nam đang xin phê duyệt 3 dự án tại Quảng Nam với tổng kinh phí ước tính ban đầu hơn 55,6 tỷ đồng. Trong đó, có dự án Phục hồi rừng và phát triển sinh kế huyện Tây Giang do Velux tài trợ, dự kiến triển khai 2 giai đoạn, 2023 - 2024 và 2025 - 2045. Mục tiêu dự án là phục hồi và quản lý tốt gần 75,8 nghìn héc ta rừng tự nhiên tại Tây Giang. Đồng thời cải thiện điều kiện sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng thông qua các hoạt động hỗ trợ quản lý rừng, sinh kế bền vững và kết nối chuỗi giá trị các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

Ông Văn Ngọc Thịnh cho biết, cùng với dự án của nhà tài trợ Velux, WWF Việt Nam đang làm việc với Chính phủ để chương trình “Thuận thiên” có chiến lược hơn 35 năm về phục hồi rừng, tăng giá trị đa dạng sinh học và sinh kế cho đồng đồng. Hai dự án nói trên sẽ nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và tăng khả năng hấp thụ các bon từ rừng.

Cũng theo ông Thịnh, các dự án trước đây của WWF phần lớn tập trung cho bảo tồn đa dạng sinh học. Song, với xu thế trên thế giới là bảo vệ môi trường gắn với trách nhiệm của con người. Dự án "Thuận thiên" sẽ triển khai trên quan điểm này và chắc chắn Quảng Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng Quảng Nam thu hút các dự án bảo tồn đa dạng sinh học