(Moitruong.net.vn) – Trải qua bao biến cố, nhiều lúc thăng trầm nhưng đến nay ngôi làng vẫn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, hút hồn du khách mỗi dịp tới vùng đất Cố đô.
Tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam
Làng Sình có tên gọi khác là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề làm tranh ra đời ở làng không biết từ bao giờ, qua biến cố lịch sử mấy trăm năm nhưng đến hôm nay từng bức tranh của làng luôn được người dân các nơi trân trọng tìm mua. Làng Sình tấp nập người vào ra tham quan quanh năm và đặc biệt là những ngày cận tết Cổ truyền của dân tộc.
Làng Sình là một địa chỉ rất nổi tiếng ở Cố đô Huế phục vụ du khách tham quan quanh năm, đặc biệt là vào những dịp Tết đến Xuân về
Người dân làng Sình cho biết, đây là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế từ xưa. Tranh dân gian làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) ở chỗ, chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng. Người cúng tranh với ước muốn cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi…
Để có một bức tranh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha mầu, tô mầu, cuối cùng là điểm nhãn
Theo tìm hiểu, đề tài tranh Sình chia làm ba thể loại chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Tranh nhân vật thường là tranh thế mạng hoặc các tranh trang ông, trang bà, trang bếp (tranh bổn mạng) là những vị thần bổn mạng bảo trợ cho gia chủ loại này thường dán trên tường cuối năm mới đốt, còn tất cả tranh khác đều đốt hóa cùng với vàng bạc hàng mã khi cúng xong. Tranh súc vật là những bức in hình 12 con giáp cúng cho tuổi của mỗi gia chủ hoặc tranh các loài gia súc trâu, bò, heo, ngựa treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, hay mong cho nghề nghiệp được hưng vượng, tranh các linh thú như voi, cọp thì dùng dâng cúng nơi các miếu cầu mong cho chúng không giáng họa cho người. Tranh đồ vật là tranh in hình các loại áo quần, khí dụng như cung tên hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí.
Để có một bức tranh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha mầu, tô mầu, cuối cùng là điểm nhãn
Những người làm tranh lâu năm ở làng Sình chia sẻ, kỹ thuật và chất liệu, tranh Sình cũng giống như đa phần các dòng tranh dân gian xưa với lối in tranh mộc bản. Bao gồm các công đoạn khá cầu kỳ: khắc bản gỗ, in tranh trên giấy điệp, rồi tô màu. Mỗi công đoạn này lại được hợp thành từ rất nhiều nguồn khác nhau. Làng Sình ngày xưa còn được gọi là làng làm giấy bồi hồ điệp, không chỉ dùng cho nghề in tranh mà còn làm cả những công việc khác. Màu in thì đa phần dùng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, sau đó qua một quá trình xử lý rất nghiêm ngặt để làm sao khi màu được tô lên tranh không bị phai.
Tranh Sình có nhiều loại kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó
Đến nay tại làng Sình, những bản khắc gỗ quý giá chỉ còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước. Ông là người gắn bó với nghề tranh trên 60 năm và góp phần lớn tâm huyết cuộc đời mình để làng tranh sống lại như bây giờ. Sản phẩm của ông nổi tiếng trong làng, được trưng bày tại các hội chợ triển lãm tranh dân gian và các kì Festival Huế.
Mực in
Bản khắc của tranh được làm từ gỗ mít
Những bản khắc gỗ quý giá còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước
Người nghệ nhân phải dồn hết tâm sức và sự khéo léo mới làm được một bản khắc gỗ ưng ý
Theo ông Phước, để làm ra một bức tranh tốn công sức nhưng thu nhập không cao bằng các nghề khác, nhưng vì muốn lưu giữ nét đẹp cổ truyền và nghề cha ông để lại nên quyết tâm theo nghề. Giai đoạn cận tết là dịp tất bật nhất trong năm, tranh thờ cúng là loại được làm nhiều nhất nhằm phục vụ vào các việc cúng ông Táo, cúng giao thừa, tổ tiên theo tín ngưỡng của người Việt.
Tranh làng Sình có bố cục không cầu kỳ nhưng rất sống động, sắc nét
Người dân làng Sinh vẫn nhớ như in thời hoàng kim, trong làng đâu đâu cũng thấy không khí lao động rộn ràng, vui tươi. Còn bây giờ, cứ sắp Tết mới cảm nhận rõ được sự háo hức của các nghệ nhân làng Sình vẽ tranh bán Tết…Mặc dù vậy, thời gian qua làng Sình không chỉ là nơi mua tranh cúng Tết mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch tham quan tranh. Những bức tranh làng Sình đã theo chân khách du lịch đi khắp nơi không chỉ trong nước mà ra nước ngoài…
Huy Đội