Sẵn sàng di dời 50.516 người đến nơi an toàn tránh bão số 1

Nguyên Lâm|02/07/2022 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra 3 kịch bản đổ bộ của bão số 1, trong đó lực lượng chức năng sẵn sàng phương án di dời 50.516 người ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu.

Chiều 1/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 1 (cơn bão CHABA) và mưa lớn sau bão.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi hình thành ở phía bắc Biển Đông, bão số 1 đang đi vào khu vực có nhiệt độ cao, độ đứt gió thấp nên có điều kiện thuận lợi để mạnh lên rất nhanh. Khả năng trong 12 giờ tới bão đạt cấp 12 và di chuyển theo hướng tây bắc về phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Hiện nay, các cơ quan quốc tế đang có nhận định khác nhau do phía đông Philippines hình thành một cơn bão khác. Hai cơn bão tương tác với nhau dẫn đến khả năng thay đổi hướng đi. Phần lớn dự báo đều hướng vào khả năng bão vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), nhưng vẫn có xác suất lệch phía nam khoảng 100 km đi về phía ven biển Việt Nam.

Theo đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra 3 kịch bản đổ bộ của bão tương ứng với mức độ mưa to và gió lớn ảnh hưởng tới đất liền và ven biển miền Bắc.

ung-pho-bao-so-1.jpg
Cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 1 và mưa lớn sau bão của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai

Kịch bản 1 với xác suất 70% là bão số 1 đi theo hướng Tây Bắc, sau đó qua phía Đông Nam khu vực Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành vùng áp thấp. Trường hợp này khả năng mưa kéo dài, mưa vừa mưa to cho khu vực Đông Bắc và vùng núi phía Bắc từ chiều 2/7 đến 7/7.

Kịch bản 2 với xác suất 20% là bão CHABA di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc đi sâu vào phía Tây Nam khu vực Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu. Kịch bản này bão gây mưa không lớn cho khu vực Bắc bộ.

Kịch bản 3 với xác xuất 10% là bão đi hướng Tây Tây Bắc vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đi vào phía bắc vịnh Bắc bộ tác động đến khu vực Đông Bắc. Hoàn lưu bão gây gió mạnh cấp 7-8 và mưa lớn cho miền Bắc.

Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai Nguyễn Văn Hải cho biết, những ngày qua các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa và dự báo tiếp tục có mưa lớn những ngày tới.

5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên được ghi nhận có hơn 50.516 người ở vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Cơ quan chức năng sẵn sàng sơ tán toàn bộ những người này để đảm bảo an toàn tùy vào tình hình khi bão đổ bộ. 1.200 điểm giao thông có nguy cơ sạt lở và ngập lụt.

Về tàu thuyền, đến 12h ngày 1/7, toàn bộ tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm đã vào nơi tránh trú an toàn với 655 tàu và 4.301 người. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.967 tàu và 269.433 người.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá dự báo lượng mưa ở miền Bắc tăng 15-30%, miền Trung tăng 30-50% và Tây Nguyên 50-100%.

Cơn bão đầu tiên của năm trên biển Đông đang có xu hướng mạnh lên, ông Hoài lưu ý thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Cơ quan khí tượng đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản 10% và 70% sẽ rất nguy hiểm khi lượng mưa lớn trong 3 đợt liên tiếp có thể đạt 400-500 mm.

Đối với trên biển, do phạm vi của bão lớn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị tiếp tục theo dõi hoạt động của tàu thuyền.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định được yêu cầu đảm bảo an toàn cho đê kè xung yếu, một số công trình đang thi công, các tuyến đường ven biển, cầu biển.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ cần đảm bảo an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công; kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.


(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sẵn sàng di dời 50.516 người đến nơi an toàn tránh bão số 1
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.