Ô nhiễm môi trường

Sáng nay, chất lượng không khí Hà Nội ở mức cảnh báo cho nhóm nguy cơ cao

Hải Đăng 11/04/2025 13:00

Sáng 11/4, nhiều khu vực ở Hà Nội chìm trong lớp bụi mịn PM2.5 dày đặc, bầu trời âm u, chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 59 đến 94 – mức trung bình nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Sáng 11/4, khu vực Hà Nội âm u, bầu trời bị bao phủ một lớp bụi mịn PM2.5, chất lượng không khí không được tốt.

123-1733913879762267996105.jpg
Sáng nay, chất lượng không khí Hà Nội ở mức cảnh báo cho nhóm nguy cơ cao

Cụ thể, kết quả quan trắc lúc 9h của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí hầu hết các khu vực ở mức trung bình, chỉ số AQI dao động quanh ngưỡng 59-91. Cao nhất là khu vực xã Vân Hà (huyện Đông Anh), chỉ số AQI ở ngưỡng 91; xã An Khánh (huyện Hoài Đức) ở ngưỡng 87; phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) ở ngưỡng 67; các khu vực còn lại ở ngưỡng 60 và 59.

Cũng có số liệu khá tương đồng là hệ thống quan trắc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố cùng giờ; trong đó khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) có chỉ số AQI ở ngưỡng 94, Đại học Bách khoa Hà Nội (phía đường Giải Phóng) ở ngưỡng 76 và khu vực công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) ở ngưỡng 68.

Các chuyên gia môi trường cho biết, thông thường mùa ô nhiễm không khí diễn ra từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau là kết thúc. Tuy nhiên, năm nay, các nguồn thải vẫn chưa được kiểm soát và trời ít mưa nên khả năng ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn kéo dài đến hết tháng 4.

Chất lượng không khí đang ở ngưỡng trung bình – tức là mức độ ô nhiễm không quá nghiêm trọng đối với đa số người dân. Tuy nhiên, nhóm người nhạy cảm, đặc biệt là những người có sẵn các bệnh lý nền như tim mạch, hen phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc suy giảm miễn dịch… vẫn cần hết sức thận trọng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí ở mức này, các hạt bụi mịn trong không khí, đặc biệt là PM2.5, có thể len lỏi vào đường hô hấp, gây kích ứng niêm mạc mũi, họng, phế quản và làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh lý đã có. Những người có tiền sử hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn tính có thể dễ bị khó thở, ho kéo dài, tức ngực – nhất là khi tiếp xúc lâu ngoài trời hoặc ở những nơi có mật độ giao thông cao.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, người thuộc nhóm nguy cơ cao nên hạn chế tối đa việc ra ngoài trời vào giờ cao điểm hoặc khi không khí có dấu hiệu ô nhiễm rõ rệt (như mùi khét, khói bụi dày đặc). Nếu buộc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang chuyên dụng có khả năng lọc bụi mịn, như khẩu trang N95 hoặc tương đương. Đồng thời, nên thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) qua các ứng dụng uy tín để điều chỉnh sinh hoạt cá nhân một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, việc giữ môi trường sống trong lành trong nhà – như sử dụng máy lọc không khí, trồng cây xanh trong nhà, đóng kín cửa vào những thời điểm ô nhiễm cao – cũng là giải pháp hữu ích giúp nhóm người dễ bị tổn thương bảo vệ tốt hơn hệ hô hấp và sức khỏe tổng thể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sáng nay, chất lượng không khí Hà Nội ở mức cảnh báo cho nhóm nguy cơ cao
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.