Trước khi tiến hành thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Đồng thời, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong sáng nay 07/11, từ 8h đến 9h50, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này bởi những lý do chủ yếu như: quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh. Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
Về mục tiêu xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Việc xây dựng dự án Luật cũng hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.
Cụ thể, Luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...
Theo chương trình đã được Quốc hội điều chỉnh, cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra.
Nội dung này được Quốc hội thảo luận tổ ngay trong chiều nay và thảo luận hội trường vào ngày 9/11. Quyết định của Quốc hội sẽ được thể hiện trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ngoài nội dung nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian hoàn thiện kỹ lưỡng dự thảo luật.
Nội dung thứ hai được điều chỉnh là trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 24/10 về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội.
Trong tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp, Quốc hội thảo luận hàng loạt báo cáo quan trọng về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Hàng loạt dự án luật cũng được bàn thảo như dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Hợp tác xã Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.