Sáng ngời giá trị lịch sử của ngày Quốc khánh 2/9

Hoàng Thơ |02/09/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Gần 80 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 vẫn còn sáng ngời giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay luôn gắn liền với truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Điều đó nói lên một khát khao to lớn của dân tộc ta là luôn mong muốn có được một nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và đó cũng là một giá trị tinh thần thiêng liêng, bất hủ của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho tinh thần ấy.

Đấu tranh chống thực dân, giành độc lập dân tộc là khát vọng, động lực và mục đích lớn nhất trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp Người có đủ bản lĩnh vượt qua mọi gian nan, thử thách trên hành trình cứu nước, giải phóng dân tộc: "Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước, thì ai cũng phải làm nô lệ". Suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài, với biết bao hiểm nguy, gian khó, Người vẫn luôn khẳng định mà không hề nao núng rằng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”. Rồi đến khi về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, vô luận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi “ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo”, Người luôn luôn chỉ nghĩ đến đất nước, đến nhân dân mà quên chính bản thân mình.

Vào tháng 8/1945, xác định thời cơ đã tới, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào trong cả nước, ở khắp các địa phương, từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, đã nhất tề đứng dậy tiến hành các cuộc biểu tình, mít tinh, vũ trang thị uy chiếm công sở, cơ quan của địch, xoá bỏ hệ thống cai trị của chế độ cũ, khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là bước nhảy vọt lịch sử vĩ đại đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của Dân tộc; là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh, tinh thần, ý trí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập - Áng văn lập quốc vĩ đại

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn người đủ các tầng lớp ở cả trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

tr1-a1-450x288.jpg
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, quan điểm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính được thể hiện rất rõ với mục tiêu là độc lập dân tộc, với niềm tin là chính nghĩa, là lẽ phải, là các tấm gương oanh liệt của các dân tộc trên thế giới theo tinh thần cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ. Căn cứ vào những quyền tự do, bình đẳng và quyền con người - “những quyền mà không ai có thể xâm phạm được” đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của cách mạng Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, ngay trong phần mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những giá trị thiêng liêng, bất biến về quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “những lẽ phải không ai chối cái được” nói trên phải được nhận thức đầy đủ và sâu sắc thì độc lập dân tộc của tất cả dân tộc trên thế giới mới được thừa nhận. Chính vì vậy, thông điệp đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới cộng đồng thế giới thông qua Tuyên ngôn độc lập năm 1945, đó là: nước Việt Nam phải được độc lập, dân tộc Việt Nam phải được tự do, đó phải là một “tất nhiên”, vì đó chính là quyền “Thượng đế” ban cho họ. Vậy mà dân tộc Việt Nam phải trải qua bao hy sinh gian khổ, mất mát và thiệt thòi mới vùng lên đòi lại cái vốn có của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự nối tiếp cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho quyền con người trong dòng chảy của trào lưu tiến bộ trên toàn thế giới, là bước đi tất yếu trên con đường tiến hóa mà nhân loại đã đi và còn sẽ tiếp tục đi. Cho nên nền độc lập của dân tộc Việt Nam đạt được sau cuộc cách mạng ấy cần phải được tôn trọng, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới cần được thực hiện nghiêm túc.

Chính vì thế, nội dung quan trọng tiếp theo trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quốc tế của các nước lớn, trách nhiệm quốc tế đối với các nước nhỏ nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc, đảm bảo cho các quốc gia kém may mắn, chậm phát triển và được thừa hưởng nền độc lập theo Hiến chương Liên hợp quốc, được tự do phát triển tiến bộ và hòa bình. Người kêu gọi các nước lớn như Mỹ, Anh, Ấn Độ… hãy công nhận nền độc lập của Việt Nam bởi vì: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 còn thể hiện quan điểm đối ngoại rất hiện đại và rất thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là Việt Nam sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ thù địch hay đấu đầu, chỉ cần công nhận nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà thôi. Đó chính là truyền thống khoan dung, nhân ái Việt Nam, là tinh thần tha thiết với hòa bình, một yếu tố làm nên sức mạnh dân tộc Việt Nam bên cạnh tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng. Đề cập đến mối quan hệ với nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn tuyên bố rằng “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp”.

tuyen-ngon-1.jpg

Với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn chứa đựng những nội dung bất hủ, Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác -Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn Độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập sáng mãi ngàn năm

Với chính tinh thần trên, lời thề Độc lập của dân tộc đã được thể hiện trên thực tế trong suốt chặng đường anh dũng đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước theo con đường Xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Từ thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, thực hiện tư tưởng chỉ đạo trường kỳ kháng chiến của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, kề vai sát cánh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, thắng không kiêu, bại không nản, tiến hành cuộc kháng chiến ba nghìn ngày, với tinh thần: “Dù bom đạn xương tan thịt nát / Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…” đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

mien-nam.jpg
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng. Ảnh: TTXVN

Tiếp nối thành công đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được hoàn toàn tự do, hạnh phúc. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

79 năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước, là do tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; đồng thời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối và vô hạn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.

Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sáng ngời giá trị lịch sử của ngày Quốc khánh 2/9