Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công tác dự báo thiên tai ngày càng hiện đại giúp con người dự báo chính xác thời điểm xảy ra thiên tai hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều kiện khoa học kỹ thuật hiện chưa thể dự báo sạt lở đất, mà chỉ có thể cảnh báo trên từng vùng.
Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, chưa thể dự báo sạt lở đất đá. Việc cảnh báo được thực hiện trước từ 3-6 giờ trên diện chứ không thể cảnh báo điểm, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt lở đất đá.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 1.000 điểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất. Nơi xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất chủ yếu ở các tỉnh miền núi, địa hình núi cao, dốc dựng, lòng suối khe hẹp, lượng mưa lớn tập trung trong phạm vi nhỏ, thời gian mưa lâu. Nhưng việc dự báo được chính xác thời điểm và vị trí xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất khó khăn.
Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo vùng có nguy cơ sạt lở
Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lũ quét, sạt lở đất xuất hiện rất phức tạp, xảy ra bất ngờ khi hội tụ đủ yếu tố bất lợi về mưa, điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất và lớp phủ. Bên cạnh nguyên nhân mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nhiều ngày, lũ quét, sạt lở đất còn phụ thuộc vào địa hình, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối, độ ổn định của lớp đất mặt yếu, độ che phủ của thảm thực vật thấp.
Để dự báo được lũ quét, sạt lở đất tại một địa điểm, ngoài việc xác định được lượng mưa đã xuất hiện và dự báo sẽ xảy ra chi tiết theo không gian, thời gian trên khu vực đó, cần xác định được các thông tin nền về địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh lũ quét và sạt lở đất, các hoạt động kinh tế-xã hội, dân sinh như giao thông, khai thác mỏ, xây dựng, phân bố dân cư… Các thông tin này phải đảm bảo được tính cập nhật liên tục theo thời gian và chi tiết đến từng địa điểm.
Trong khi đó, hiện nay, công nghệ chưa cho phép dự báo chính xác định lượng mưa. Thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất không có đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế. Sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê, nghiên cứu đầy đủ.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, việc khai thác lưu vực, hoạt động của con người cũng làm giảm tỷ lệ rừng, xây dựng hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi làm mất độ giữ đất, giữ nước của rễ cây, mất ổn định sườn dốc, làm yếu độ liên kết đất đá và tăng khả năng xói mòn, sạt lở.
Những hiện tượng thiên tai lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống rất khó có thể cảnh báo. Nếu như người dân khu vực đó có thể quan sát hiện tượng dòng chảy , nghẽn dòng ở khu vực có nhiều nguy cơ thì có thể tiến hành khơi nguồn ra để giảm thiểu thiên tai.
Quỳnh Nga