Tính đến hết ngày 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 (39,4%) và 30 – 39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.
Ảnh minh họa
Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm Nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm thay vào đó tỷ lệ này nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV.
Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”.
Thứ nhất, nó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS: Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội tức cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng.
Vai trò của cộng đồng ở đây còn muốn nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức xã hội, của các mạng lưới, cộng đồng người
dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV v.v… họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà còn phải tham gia như đối tác của chương trình.
Thứ hai, chủ đề nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS. Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Thực tế Việt Nam năm 2018 kết quả ba mục tiêu này là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu, nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Minh Anh (t/h)