Sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp

Minh Lâm|24/10/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam đã chọn thực hiện cơ chế thị trường điện rất sớm từ năm 1995 và kiên định với định hướng này. Điều này thể hiện trong Luật Điện lực, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và nhiều Quyết định cụ thể của Thủ tướng về thiết kế và lộ trình thực hiện thị trường điện.

Tuy nhiên, cho đến nay, dù thời gian chuẩn bị đã lâu nhưng thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh, thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như các thiết kế và lộ trình tương ứng đã được duyệt. Các khó khăn, bất cập vừa qua như chi phí đầu vào tăng cao, chậm huy động nguồn năng lượng tái tạo lẽ ra đã có thể được giải quyết thông qua các cơ chế thị trường.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), tiền đề của thị trường bán lẻ điện, cho phép nhà đầu tư điện lực, các nhà máy điện và khách hàng tiêu dùng điện lớn được trực tiếp mua bán điện năng lượng tái tạo với nhau. Cơ chế này, nếu được thực hiện sớm hơn, các nhà đầu tư điện lực đã có thể chủ động tìm kiếm nhiều người mua có thể trả giá hời hơn, không phải chờ đợi cơ chế giá điện để bán cho một người mua duy nhất là EVN và nhờ đó giúp tránh được lãng phí nguồn lực xã hội.

Với một cơ chế định giá thị trường minh bạch, người tiêu dùng có lẽ sẽ ít hoài nghi và có thể dễ chấp nhận giá điện cao do thị trường quyết định để từ đó điều chỉnh nhu cầu tiêu dùng cho phù hợp với túi tiền của mình hơn.

mua-ban-dien.jpg
Ảnh minh họa.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp, giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Thông báo nêu rõ, việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, đến nay cơ chế, chính sách này vẫn chậm được ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp hiện đã có kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu thực tế tại Việt Nam với căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, làm rõ thẩm quyền ban hành hướng dẫn của Bộ trưởng, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và dự thảo, thẩm định và ban hành theo đúng quy định.

Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ động, phối hợp chặt chẽ với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021" để đề xuất đưa vào nghị quyết giám sát chuyên đề nội dung này - là một trong những nhiệm vụ giải pháp cần làm ngay.

Bài liên quan
  • Việt Nam đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 - 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp