Từ một tỉnh đi bán sắn, bán ngô, chỉ sau 5 năm, Sơn La đã trở thành trung tâm chế biến, sản xuất rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc với 11 nhà máy chế biến nông sản lớn, diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 trong cả nước, xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, tỉnh Sơn La xuất khẩu khoảng gần 100.000 tấn sắn lát sang thị trường Trung Quốc.
Chưa cây trồng nào thay thế được ngô ở Sơn La
Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Mai tỉnh Sơn La – bà Nguyễn Bích Ngọc cho biết: Xuất khẩu ngô, sắn lát có nhiều triển vọng trong thời gian tới khi giá sắn, ngô nội địa Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do lượng tồn kho thấp. Giá ngô, sắn tại Việt Nam, Thái Lan và nhiều nước khác đều tăng cao. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng mua sắn lát Việt Nam và Thái Lan nhiều hơn.
Ngay tại thị trường các huyện của tỉnh Sơn La, giá sắn lát ngày 29/12 cũng tăng mạnh ở mức 4.500-5.000 đồng/kg; giá sắn tươi từ 1.800-2.000 đồng/kg; giá ngô hạt từ 6.400-6.500 đồng/kg.
Tuy là cây ngắn ngày không khuyến khích phát triển, nhưng đối với nhiều vùng ở Sơn La, ngô, sắn vẫn là những cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con khi chờ nguồn thu từ cây trồng lâu năm và có thêm nguồn lương thực để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Năm nay là năm thứ 7 thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Năm nay, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch bệnh, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng, là điểm sáng của nền kinh tế. Đó là những kết quả vững chắc từ định hướng tái cơ cấu mà chúng ta đã và đang thực hiện.
Ngoài ra, Sơn La có 11 nhà máy chế biến nông sản lớn. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn cho các nhà máy là định hướng tái cơ cấu nông nghiệp bền vững của địa phương này. Dự kiến, chỉ trong thời gian ngắn tới, tỉnh sẽ có 1 triệu tấn trái cây mỗi năm, từng bước đưa Sơn La trở thành trung tâm sản xuất và chế biến rau quả lớn của cả nước.
Minh Châu