Ngày 9/8, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc (IPCC) đã công bố một bản báo cáo quan trọng được xem là toàn diện nhất và cập nhật nhất về biến đổi khí hậu. Bản báo cáo khẳng định rằng thế giới cần giảm một nửa lượng khí thải nhà kính để ngăn nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Khu vực Thái Bình Dương từ lâu đã trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu. Những quốc gia thuộc khu vực này thường xuyên phải hứng chịu tình trạng triều cường cao bất thường, lốc xoáy, xâm nhập mặn và hạn hán kéo dài, theo Guardian.
Sông Amazon ở Brazil bị khô cạn. Ảnh: Reuters
Bản báo cáo được soạn thảo bởi hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới. Từng dòng khuyến nghị được đại diện các chính phủ xem xét, sửa đổi và cuối cùng được 195 chính phủ thông qua trong phiên họp thứ 54 của IPCC.
Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc nếu thế giới tiếp tục nóng lên. Bản báo cáo cho biết mực nước biển đã dâng 20 cm và hiện không thể đảo ngược.
Sóng nhiệt nghiêm trọng vốn chỉ xảy ra một lần trong 50 năm đang trở lại theo chu kỳ 10 năm. Hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra thường xuyên gấp 1,7 lần. Lốc xoáy mạnh hơn, mưa và tuyết bất thường hơn.
Satyendra Prasad, đại diện thường trực của Fiji tại Liên Hợp Quốc, khẳng định: “Báo cáo của IPCC rất có tính cấp thiết. Nó đưa ra một số kịch bản thảm khốc đối với khu vực Thái Bình Dương. Nước biển dâng có thể nhấn chìm nhiều quốc gia trong một thế kỷ tới”.
Báo cáo của IPCC đã trình bày 5 kịch bản dựa trên các mức độ phát thải khí nhà kính. Theo kịch bản phát thải cao và rất cao được nêu trong báo cáo, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 3,6 đến 4,4 độ C vào cuối thế kỷ XXI.
Theo báo cáo, nhiệt độ trái đất cứ tăng thêm 0,5 độ C sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng rõ rệt về cường độ và tần suất. Trái Đất sẽ nóng lên nhanh hơn so với các đánh giá trước đó.
Ông Prasad cho biết, cuộc khủng hoảng khí hậu đã tác động lên khắp Thái Bình Dương trong nhiều năm.
“Bão lũ đang xảy ra với tần suất đáng kể. Những sự kiện từng được dự báo sẽ xảy ra một lần trong 50 hoặc 100 năm đang xảy ra theo chu kỳ 10 năm. Ngay lập tức người ta có thể phỏng đoán rằng lốc xoáy, siêu bão, hạn hán sẽ trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên khắp các hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương”, ông Prasad nói.
Hạnh Mai