Sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho phụ nữ Việt Nam

Mai Hạ|20/10/2022 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội”. Và không chỉ đánh giá đúng vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội, trong quá trình đấu tranh giành độc lập, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Bác Hồ luôn là nguồn động viên, cổ vũ cho phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên, khẳng định vị thế và những đóng góp của mình cho xã hội.

bh-voi-ce-pn.jpg
 Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho phụ nữ Việt Nam.

Trong cuộc đời cách mạng đầy chông gai, thử thách, song rất đỗi vĩ đại của mình, Bác Hồ luôn dành cho phụ nữ những tình cảm đặc biệt. Khi nước nhà đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Người đã chỉ ra nỗi khổ đau, bị ngược đãi, bị chà đạp của ngư­ời phụ nữ, đặc biệt sự bạo ngư­ợc của bọn quan lại thống trị đã làm cho thân phận những ngư­ời phụ nữ ở thuộc địa không chỉ đớn đau mà còn thấp hèn hơn. Hơn ai hết, Ngư­ời hiểu và đồng cảm với thân phận của ng­ời phụ nữ, trong đó có bà, mẹ, dì và những ngư­ời thân của mình, để từ đó đánh giá đúng về họ, đặt niềm tin vào họ.

Bài báo có nhan đề: “Hồ Chủ tịch nói về phụ nữ"

Trước ngày nhân dân cả nước tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946) để bầu ra Quốc Hội- cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, báo Quốc hội đăng toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn của Quốc Hương với vị cha già dân tộc với nhan đề: “Hồ Chủ tịch nói về phụ nữ" .

Trong bài viết này, khi trả lời câu hỏi của tác giả: “Về chính trị, phụ nữ nước nhà đã có gì là khả quan chưa?”, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đã hóm hỉnh hỏi lại: “Tôi cũng định hỏi chị về chỗ đó”. Bất ngờ trở thành người bị phỏng vấn, tác giả nói: phụ nữ nước nhà tiến chậm lắm. Hầu hết mọi người đều rụt rè, nhút nhát vì không được tổ chức lại, không có sự giúp đỡ lẫn nhau, v.v..

Gật đầu đồng ý nhận xét này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cái đó là lỗi ở các đoàn thể không biết mở rộng phạm vi, nhưng cũng là lỗi ở các chị đã không biết tìm đến”.

Theo ý Người, trong thực tế, giải phóng phụ nữ không phải chỉ là thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng trong những công việc bình thường của một gia đình. Vì thế, mặc dù tán thành với nhận định của Người: “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có rất nhiều tiến bộ”, nhưng theo tác giả thì, hiện tại dường như “phụ nữ vẫn còn thờ ơ lắm với quyền lợi của mình, ngay như việc đi bầu cử, có nhiều chị không được sốt sắng, kêu bận con không đi được hay không biết gì mà bầu”. Nghe tác giả nói vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi lại, nếu thế, “chị có khuyến khích các chị ấy không? Chị nói gì với chị ấy?”.

Tác giả nữ nói: “Cháu có nói với các chị ấy rằng cần phải đi bầu cử mới chọn được người xứng đáng làm đại biểu, bênh vực quyền cho mình, nhất là cuộc Tổng tuyển cử tới đây, lại quan hệ nhiều đến nền độc lập của quốc gia...”. Nghe nữ tác giả nói như vậy, nhẹ nhàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên: “Chị phải nói cho phổ thông chứ đừng nói cao xa quá...người ta chỉ biết rằng đi bầu chọn người đại biểu để bênh vực quyền lợi, nhưng người ta có hiểu quyền lợi gì? ở đâu? phải nói cái gì thiết thực cho người ta thấy...”.

Nghe những lời phân tích xác đáng của vị Chủ tịch Chính phủ, nữ tác giả kính phục vô cùng, tự mình muốn hỏi thêm nhiều điều và bản thân chị cũng vỡ ra nhiều điều. Nữ tác giả nhận thấy, nếu chỉ có những văn bản nói về quyền lợi và nghĩa vụ dành cho phụ nữ thôi thì chưa đủ, các phương tiện truyền thông, các tổ chức Hội còn phải gần gũi, cổ vũ phụ nữ tích cực vượt lên những khó khăn thường ngày, để dành thời gian tham gia sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt theo các nhóm ngành nghề, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ, và truyền kinh nghiệm về mọi mặt trong cuộc sống, giúp nhau cùng tiến bộ,v.v.. Sau đó, sợ Cụ Chủ tịch mệt, tác giả chỉ chuyển lời một cháu nhỏ, một u già nhờ chuyển tới Người: “Nếu cháu được gặp Cụ thì cháu càng yêu quý Cụ hơn, Cụ có đói mời Cụ về nhà cháu, cháu có nhiều gạo lắm. Và lời của u già kính chúc Cụ sống lâu trăm tuổi để Cụ làm việc nước”. Tình cảm chân thực, lòng kính yêu của nhân dân đối với Người thật cảm động, và xúc động Người nói: “Chị về nói, tôi cảm ơn bà cụ và cháu bé, khi nào tiện chị dẫn cháu lên đây” (Bắc bộ phủ).

Bài trả phỏng vấn về một nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân của người phụ nữ, tuy không dài, nhưng hàm chứa một nội dung sâu sắc và ý nghĩa chính trị to lớn. Thông qua nội dung câu hỏi và cách thức trả lời, Bác Hồ đã gợi mở cách tuyên truyền, động viên phụ nữ, để họ nhận thức rõ hơn và biết hưởng dụng quyền lợi, nghĩa vụ của mình, giúp phụ nữ nhận thức được sứ mệnh “lịch sử” là hoàn thành việc “bếp núc”, hoàn thành thiên chức của người phụ nữ, và cao hơn thế, họ phải chủ động, tích cực tham gia vào các công việc xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cách quan tâm đến phụ nữ đầy đủ nhất, cũng đồng thời là cách động viên hiệu quả nhất, để phụ nữ tự giải phóng mình khỏi những quan niệm cổ hủ, sai lầm, để có thể xứng đáng với vai trò là “hậu phương” vững chắc của mỗi người đàn ông, của một nửa thế giới.

Khắc ghi lời dạy của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bác mong phụ nữ ta ra sức phát huy hơn nữa truyền thống dũng cảm và đảm đang, cùng toàn quân và toàn dân ta bảo vệ độc lập và tự do của Tổ quốc, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Và 8 chữ vàng, “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng phụ nữ Việt Nam đã trở thành sự động viên, khích lệ phụ nữ hai miền Nam- Bắc tích cực đóng góp sức mình cho đất nước. Ở miền Bắc, phụ nữ ngày càng chủ động hơn trong mọi công việc, họ làm được rất tốt những công việc mà trước đó những người chồng, người con lên của họ đã từng làm. Họ làm cho hậu phương xứng đáng với tiền tuyến. Còn ở miền Nam, những đội quân tóc dài, những anh hùng, dũng sĩ là thiếu nữ, là phụ nữ thật nhiều. Họ và tất cả những người yêu nước đang đem hết sức mình cho một ngày mai thống nhất. Sự tham gia của họ, những người phụ nữ Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng.

Để phụ nữ được giải phóng và phát triển toàn diện, trong từng hoàn cảnh cụ thể, Bác Hồ kêu gọi các cấp lãnh đạo đặt niềm tin vào chị em, đề bạt chị em, tạo điều kiện để chị em có dịp tự khẳng định mình. Tuỳ theo tính chất công việc, tuỳ theo điều kiện sức khoẻ, phẩm chất và năng lực của người phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề nghị các ngành, các cấp tạo điều kiện để chị em được học tập tốt, tham gia lao động tốt, đóng góp sức mình cho Tổ quốc.

Đã hơn 40 năm Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng đã hơn 40 năm trôi qua, công cuộc giải phóng phụ nữ đã đạt được những kết quả phi thường. Những cán bộ nữ quản lý giỏi, những người phụ nữ nghiên cứu khoa học đầy tài năng, những người phụ nữ lao động giỏi,.... hôm nay kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, đang hăng say đóng góp sức mình cho công cuộc đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đem tư tưởng dân chủ, tiến bộ của thời đại làm đẹp thêm những phẩm chất, tinh thần và trí tuệ người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Chính Người đã đem đến cho chị em nguồn sức mạnh, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho phụ nữ Việt Nam