Sức sống văn hóa đồng bào Ca Dong qua thế hệ trẻ

Ánh Hà|22/03/2022 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vùng núi cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với những cánh rừng đại ngàn, triền ruộng bậc thang uốn lượn, nơi đây còn lưu giữ được một kho tàng văn hóa dân gian được hình thành, và phát triển từ ngàn đời. Những đặc sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong cùng với dòng chảy thời gian luôn in sâu trong tâm hồn của bao thế hệ chính từ Mô hình Câu lạc bộ văn hóa dân gian được tổ chức trong nhà trường.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây, tiếng cười nói rộn ràng cùng những câu hát, tiếng đàn, tiếng chiêng vang lên ngân nga trong mỗi tiết sinh hoạt. Đây là lúc những cô cậu học trò trong trang phục truyền thống Ca Dong nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do Câu lạc bộ (CLB) của trường tổ chức.

Các em học sinh đang biểu diễn làn điệu dân ca bằng nhạc cụ của đồng bào Ca Dong

Em Lương Phạm E Va cho biết, em tham gia Câu lạc bộ Văn hóa dân gian ngay từ những ngày đầu Câu lạc bộ thành lập. Chúng em có thể học hát, được biểu diễn những làn điệu  của dân tộc mình, nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc, để từ đó trau dồi, học hỏi thêm nhiều hơn nữa về ngôn ngữ của dân tộc mình. CLB là nơi để chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, cũng là nơi để tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng “mềm” trong cuộc sống.

“Tham gia Câu lạc bộ, em được học những bài hát dân ca của người Ca Dong và đến nay em đã hát được rất nhiều bài. Những bài này hát rồi mới thấy rất hay, ý nghĩa, nó gắn liền với đời sống, văn hóa của quê hương chúng em. Em sẽ tiếp tục học những bài hát mới và chỉ dạy lại cho các em nhỏ ở bản”, E Va bộc bạch.

Em Đinh Rêu Du vừa dứt tiếng gõ chiêng cười hiền: “Em rất tự hào là người Ca Dong, ở trường, em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, nhất là biết thêm về văn hóa đặc trưng của đồng bào mình. Ngoài học đánh chiêng em còn học đàn Bróc Krau, Bróc Tru của ông ngoại em để lại. Từ đó em thêm yêu quê hương nhiều hơn, có ý thức chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông”.

Trang phục và vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào Ca Dong

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây đã tổ chức sưu tầm và trưng bày hơn 100 vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Ca Dong như: Nồi đồng, rổ, nia, gùi đi núi; những vật dụng dùng để bắt cá, săn thú rừng; trang phục thổ cẩm, trang sức bằng hạt cườm… Trong đó, nhiều hiện vật có tuổi đời hàng trăm năm. Phòng truyền thống của Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây như một “bảo tàng thu nhỏ”, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của đồng bào Ca Dong.

Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây sưu tầm và trưng bày hơn 100 vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Ca Dong

Ông Lê Hoài Thạnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây cho biết, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian được thành lập vào tháng 9/2021. Ban Giám hiệu nhận thấy sự mai một văn hóa của dân tộc Ca Dong trên địa bàn. Nếu không có các hoạt động trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ sẽ mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc này. Trong khi đó, 95% học sinh của trường là người Ca Dong. Do đó, Trường quyết định thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian nhằm góp phần giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong. Thông qua Câu lạc bộ để giáo dục cho học sinh kỹ năng tiếp cận, khai thác văn hóa truyền thống, có trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình.

Một tiếc mục biểu diễn trong buổi sinh hoạt được nghệ nhân hướng dẫn

Các buổi sinh hoạt của CLB đều có sự tham gia, chỉ dạy của một số nghệ nhân người Ca Dong trên địa bàn huyện Sơn Tây. Nghệ nhân Đinh Thanh Sơn chia sẻ, ông rất vui khi được Ban lãnh đạo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây mời tham gia truyền dạy cho học sinh cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc, các bài hát dân ca của đồng bào Ca Dong.Khi còn nhỏ, tôi thẩm thấu các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Ca Dong qua người cha. Nhờ vậy, tôi sớm thuộc nhiều bài hát truyền thống của dân tộc Ca Dong, các bài hát ru, kalêu, ra ngế…

“Nhiều năm nay tôi luôn đau đáu suy nghĩ phải làm cách nào để thế hệ trẻ yêu thích văn hóa của đồng bào mình. Vì tôi thấy các cháu giờ chỉ thích chơi game, xem Youtube, Tiktok,… Tuy nhiên, khi gặp các em học sinh tại CLB, tôi rất ngạc nhiên vì thấy các em lại đam mê học hỏi làn điệu dân ca, bài chiêng trống của đồng bào mình. Mong rằng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ biết yêu, gìn giữ và phát huy văn hóa của đồng bào Ca Dong” ông Sơn trải lòng.

Quang cảnh sinh hoạt của Câu lạc bộ được tổ chức ở sân trường

Tuy mới thành lập, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây đã lan tỏa được niềm đam mê, yêu thích văn hóa dân gian của học sinh, tập hợp được bộ sưu tập gồm văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người Ca Dong. Đây thực sự là hoạt động giáo dục đặc thù, chuyên biệt của Trường Dân tộc nội trú Phổ thông Dân tộc và Trung học Cơ sở Sơn Tây, góp phần tạo ra những trải nghiệm để giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, để hoạt động mang lại hiệu quả cao hơn, chính quyền các cấp cần có đề án cụ thể, bố trí nguồn kinh phí hợp lý.

“Hoạt động của Câu lạc bộ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh của nhà trường. Mong rằng, chính quyền địa phương sẽ có giải pháp nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Văn hóa dân gian đến các xã để cộng đồng cùng giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong. Một điểm nữa là nguồn kinh phí phục vụ hoạt động là nhà trường tự túc nên cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện, duy trì hoạt động của CLB”, ông Thạnh cho hay.

Ánh Hà

Bài liên quan
  • “Tết nông thôn mới” ở bản Lô Lô Chải nơi địa đầu Tổ Quốc
    Moitruong.net.vn – Trong niềm vui đón Xuân Nhâm Dần 2022, không khí tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang càng thêm vui mừng, phấn khởi, khi đời sống đồng bào Lô Lô được nâng cao hơn, mọi hoạt động trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn nhờ những đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống văn hóa đồng bào Ca Dong qua thế hệ trẻ