“Tết nông thôn mới” ở bản Lô Lô Chải nơi địa đầu Tổ Quốc

Mai Dung|05/02/2022 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong niềm vui đón Xuân Nhâm Dần 2022, không khí tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang càng thêm vui mừng, phấn khởi, khi đời sống đồng bào Lô Lô được nâng cao hơn, mọi hoạt động trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn nhờ những đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phong tục đón Tết độc đáo

Bên cột cờ quốc gia Lũng Cú, thôn Lô Lô Chải đẹp như một bức tranh giữa miền sơn cước. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Lô Lô, một trong những dân tộc thiểu số rất ít người của nước ta. Trong dịp Tết đến Xuân về, thôn Lô Lô Chải với hơn 100 hộ dân lại rộn ràng với những phong tục tập quán vô cùng độc đáo.

Xuân về trên bản Lô Lô Chải

Trong những ngày giáp Tết, các gia đình người Lô Lô quét dọn lau chùi nhà cửa, bàn ghế sạch sẽ. Họ dùng giấy bạc, giấy màu cắt dán lên bàn thờ, các cột nhà, các cửa sổ và cửa ra vào, ngoài mục đích làm đẹp còn mang ý nghĩa cầu mong gia đình sang năm mới có nhiều việc tốt đẹp.

Đến chiều 30 Tết, người Lô Lô lại sửa soạn một mâm cỗ để dâng tổ tiên và thần thánh. Khi những người đàn ông trong gia đình bắt lợn, gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên thì phụ nữ lại bận rộn hoàn thành nốt các bộ quần áo mới cho mọi người trong nhà để vui Xuân.

Gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng sủa. Mâm cỗ dâng tổ tiên thường có bánh chưng (nhưng không phải là hình vuông mà là bánh dài), bánh nếp, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối, ớt và các loại rau đắng, măng đắng đã đồ cẩn thận. Sau khi đã soạn xong, cỗ mới được người già hoặc đàn ông trong gia đình bưng đặt lên bàn thờ rồi thắp hương khấn lễ. Sau đó, các thành viên trong gia đình cũng lạy chào tổ tiên và thần thánh.

Theo phong tục, người Lô Lô đón năm mới bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, náo nhiệt cả bản.

Nét độc đáo trong ngày Tết cổ truyền, từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người Lô Lô vẫn tồn tại một tập tục lạ gọi là “khù mi” (ăn cắp chơi – ăn cắp lấy may). Người Lô Lô ở Hà Giang luôn quan niệm rằng vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp điều tốt lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Do đó, vào tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4… tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kị sẽ tránh không làm việc lớn.

Theo phong tục, người xông nhà trong ngày mùng 1 đầu năm là con trai. Từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 5 là thời gian các gia đình đi thăm hỏi và mời nhau ăn uống chúc mừng năm mới.

Mặc dù giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và nhiều phong tục, tập quán đón Tết của đồng bào Lô Lô vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, không bị pha trộn theo nhịp sống phát triển của xã hội.

Từ khi được quy hoạch phát triển du lịch, đời sống của đồng bào Lô Lô được nâng lên đáng kể

Nông thôn mới, sức sống mới

Từ khi Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hóa và được tỉnh Hà Giang đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, người dân trong bản càng ý thức hơn việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc như một tài nguyên để khai thác du lịch. Kiến trúc nhà cửa ở đây vẫn giữ nguyên vẹn được nét văn hóa truyền thống đó là nhà trình tường, lợp ngói âm dương, cột nhà được làm bằng những cây Sa mộc có tuổi đời gần trăm năm, cầu thang trong nhà thường có 9 – 11 bậc, nhà trình tường có đặc tính ấm vào mùa Đông, mát vào mùa Hè, tường rào xung quanh nhà được dựng lên bằng những viên đá xanh tự nhiên.

Hiện nay, cuộc sống của đồng bào Lô Lô đã đổi thay khác xưa rất nhiều từ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện, có đường bê tông vào từng xóm, bản,… nhiều nơi trồng hoa và cây xanh. Lô Lô Chải đã và đang vươn tới mục tiêu xây dựng thôn kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp.

Anh Sình Dỉ Gai – Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Lô Lô Chải cho biết, cuộc sống trước kia của đồng bào Lô Lô vô cùng khó khăn bởi thu nhập chỉ biết dựa vào cây ngô, cây lúa, nhưng diện tích lúa không nhiều. Những năm gần đây, từ khi làm du lịch, kinh doanh homestay mà đời sống người dân đã thay đổi, nhận thức được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh, nhà cửa khang trang và xe máy đi lại.

“Có được những thành quả như thế này, người dân chúng tôi vừa vui mừng và cũng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Qua năm mới sẽ cố gắng nhiều hơn trong chăn nuôi, sản xuất, làm du lịch để phát triển kinh tế gia đình tốt hơn, để cùng nhau đưa quê hương ngày càng phát triển đi lên”, Anh Gai chia sẻ.

Mai Dung

Bài liên quan
  • Ninh Bình: Sáng chế lò đốt rác thân thiện với môi trường
    Moitruong.net.vn – Nhằm triển khai có hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã nghiên cứu, lắp đặt, bàn giao cho UBND xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) quản lý, vận hành 1 lò đốt xử lý được trên 300kg rác thải/giờ và khí thải tạo ra từ lò này là khí sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
“Tết nông thôn mới” ở bản Lô Lô Chải nơi địa đầu Tổ Quốc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.