Cảnh sát kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia. Ảnh minh họa
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, dự kiến trình Chính phủ cuối tháng 8.
Có 3 phương án được đề xuất, tuy nhiên Bộ GTVT đề xuất chọn phương án 3 sửa đổi mức xử phạt đối với vi phạm về nồng độ cồn, theo đó mức 1 đối với người điều khiển ô tô là 6 – 8 triệu đồng và mức phạt cao nhất đối với vi phạm của hành vi này là 30 – 40 triệu đồng.
Điểm mới so với bản dự thảo lần 1 cách đây 3 tháng là mức phạt tăng từ 30 triệu lên 40 triệu đồng với lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất và sử dụng ma túy.
Theo đó, tài xế vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (hiện nay là 16-18 triệu đồng); tước giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng (hiện nay là 4-6 tháng).
Mức phạt trên cũng áp dụng cho những lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Với xe máy, mức 1 sẽ bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng và mức phạt cao nhất là 6 – 8 triệu đồng, theo Bộ GTVT là “phù hợp với tình hình thực tế”.
Trước đó, sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan tới việc tài xế uống rượu bia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Chỉ thị 04 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.
Cụ thể, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016 của Chính phủ, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, nhất là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Trang Hạ (t/h)