– Năm 2016, Sở TN&MT TP.HCM đã trình UBND Thành phố 290 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Trong đó: Công nhận quyền sử dụng đất (cho các tổ chức đang sử dụng) là 210 dự án; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là 80 dự án.
Công tác thu hồi, tạo quỹ đất: TP.HCM đã hoàn thành công tác thu hồi và tiếp nhận 22 khu đất với tổng diện tích 28,5673 ha và công bố quyết định thu hồi 08 khu với diện tích 5,7297 ha. Triển khai công tác thu hồi tạo quỹ đất đường vành đai 2 tại Quận 9 với tổng diện tích 131,9 ha và quỹ đất đầu tư xây dựng trường theo hình thức kêu gọi xã hội hóa với tổng diện tích 125 ha tại xã Long Thới cùng quỹ đất xây dựng chương trình nông thôn mới 121 ha tại huyện Nhà Bè.
Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2016, TP.HCM đã cấp 6.000 giấy chứng nhận cho tổ chức; Đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp giấy chứng nhận 13.188 giấy; Đăng ký giao dịch bảo đảm năm 2016 là 7.506 hồ sơ. Cấp cho hộ gia đình và cá nhân đạt 30.810 giấy chứng nhận; Công tác đăng ký biến động nhà đất sau khi cấp giấy chứng nhận 242.450 hồ sơ; đăng ký giao dịch bảo đảm 202.385 hồ sơ.
TPHCM Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai
Sở TN&MT đã kiến nghị UBND Thành phố nhiều biện pháp xử lý các dự án chậm tiến độ. Theo đó, trường hợp sử dụng đất đúng mục đích: Giao UBND các quận, huyện và Chi cục Thuế các quận, huyện thường xuyên kiểm tra theo dõi, hướng dẫn việc sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật đất đai; Giao Thanh tra Sở TN&MT phối hợp Thanh tra các quận, huyện thực hiện kiểm tra, thanh tra và đề xuất xử lý theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013, Điều 100 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ và Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (nếu có). Trường hợp chưa xác định nghĩa vụ tài chính; Sở TN&MT phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố đẩy nhanh việc xác định nghĩa vụ tài chính, làm cơ sở đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai đầu tư xây dựng dự án, đưa đất vào sử dụng.
Sở TN&MT đã phối hợp với Hội đồng Thẩm định bồi thường thành phố giải quyết 273 hồ sơ vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn Thành phố; trong đó văn bản hướng dẫn, trả lời UBND quận, huyện là 184 hồ sơ; Báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét giải quyết là 89 hồ sơ (UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận giải quyết 38/89 hồ sơ).
Đồng thời, theo dõi, tổng hợp để tham mưu quản lý điều hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 08 dự án trọng điểm, cấp bách của Thành phố: Dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè trên địa bàn Quận 2; Dự án ĐTXD bãi hậu cần kỹ thuật và bến cuối của tuyến BRT số 1 thuộc Dự án phát triển Giao thông xanh Thành phố; Dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3; Dự án Khu dân cư – Tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3; Dự án đoạn đường Võ Văn Vân nối dài vào khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3; Dự án Metro 2; Dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện Dự án cải tạo kênh Đôi trên địa bàn quận 8; Dự án BT chống ngập nước do triều do Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư.
Về công tác thẩm định giá đất, đây là mảng công tác mới, khối lượng hồ sơ lớn và khá đa dạng, tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều quy định trước đây (kể cả chính sách đặc thù) mà những quy định của pháp luật hiện hành không tiên liệu hết. Trong đó có không ít hồ sơ mà Sở Tài chính đã tiếp nhận trước đây, đang phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan để xử lý những vướng mắc từ nhiều năm nhưng chưa xong, nay chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý tiếp. Nhiều vướng mắc phát sinh bởi những quy định mới nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời. Nhân sự thực hiện còn mỏng, kinh nghiệm hạn chế và kiêm nhiệm.
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc, đưa công việc đi vào nền nếp, Sở TN&MT đã có nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, cụ thể: Nghiên cứu, ban hành các văn bản để triển khai công việc cũng như đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố, UBND thành phố, Bộ TN&MT xem xét, chỉ đạo. Trực tiếp làm việc với Bộ TN&MT để báo cáo, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc. Phối hợp thường xuyên với Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố và các sở, ngành có liên quan để tháo gỡ vướng mắc phát sinh; xây dựng bộ tiêu chí thẩm định giá. Xây dựng phần mềm về cơ sở dữ liệu giá đất. Công khai thủ tục có liên quan đến công tác giá đất cũng như tiến độ giải quyết các hồ sơ giá đất lên website của Sở để các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, góp ý cũng như giám sát tiến độ.
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Sở TN&MT đã trình UBND thành phố phê duyệt danh mục đấu giá 17 khu đất với tổng diện tích 8,4219 ha. Tổ chức đấu giá 05 khu, tổng diện tích 0,9309 ha, tổng thu ngân sách 83,95 tỷ đồng (02 khu sẽ đấu giá ngày 29/12/2016 và ngày 05/01/2017).
Về công tác tạo quỹ đất, cho thuê đất ngắn hạn hàng năm, TP.HCM đã thực hiện khai thác ngắn hạn 40 khu đất với tổng diện tích 25,42 ha và thu về cho ngân sách thành phố là 19.675.519.992 đồng.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả rà soát tình hình thực hiện tách thửa đất và ghi nhận kiến nghị giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND, Sở TN&MT đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND cho phù hợp với nhu cầu về quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Sở đã gửi dự thảo đến các sở, ngành, quận, huyện góp ý, sau đó sẽ tổng hợp ý kiến và tham mưu UBND thành phố.
PV