Không phải tất cả chất thải thủy tinh có thể tái chế được
Tái chế lại các chai thủy tinh đã qua sử dụng là một cách hữu hiệu để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Với mỗi tấn thủy tinh được tái chế, nhân loại sẽ tiết kiệm một lượng lớn nguyên liệu thô cần thiết để tạo ra thủy tinh mới – bao gồm 590 kg cát, 186 kg bột Natri Carbonate và 173 kg đá vôi.
Không phải chất thải thủy tinh nào cũng tái chế được
Việc chế tạo thủy tinh mới cũng tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra ô nhiễm công nghiệp góp phần vào hiệu ứng nhà kính. Lý do là bởi phải làm nóng cát và một số chất khác ở nhiệt độ lên đến hơn 1400 độ C mới tạo ra được thủy tinh. Trong khi đó, nếu tái chế thuỷ tinh thì tiêu thụ ít hơn 40% năng lượng so với việc làm ra thủy tinh mới.
Tuy nhiên, không phải mọi chai lọ và đồ dùng bằng thủy tinh đều có thể tái chế. Thủy tinh dùng trong công nghiệp thực phẩm, đóng gói thực phẩm thì có thể tái chế, nhưng các xoong nồi, dụng cụ nấu và vật chứa bằng thủy tinh không thể tái chế được. Hầu hết các loại bóng đèn cũng không tái chế được, trừ khi có quy định khác của đơn vị tái chế bởi các nhà tái chế thủy tinh xem đó là những vật gây ô nhiễm.
Những loại thủy tinh không thể tái chế bao gồm:
– Tấm kính cửa sổ
– Gương
– Kính ô tô
– Pha lê
– Dụng cụ nấu ăn và các mảnh gốm/thủy tinh trang trí.
– Thủy tinh có khả năng chịu nhiệt, như Pyrex.
– Bóng đèn (trừ một vài loại cụ thể được nhà tái chế chấp nhận)
Một số địa chỉ tái chế thủy tinh sẽ chỉ nhận tái chế thủy tinh đã được phân loại trước hoặc có màu nhất định.
Thủy tinh vỡ cũng có thể được tái chế, thậm chí một số nơi trên thế giới còn ưa thích nhận tái chế thủy tinh vỡ hơn. Nhưng cũng có nhiều nơi không chấp nhận thủy tinh vỡ vì nó nguy hiểm với các công nhân thu gom rác tái chế.
Tái chế thủy tinh như thế nào?
Thủy tinh được thu gom và sau đó phân loại theo màu sắc, gồm 3 màu cơ bản là trắng, xanh, bạch hổ, rồi rửa sạch để loại bỏ các chất bẩn. Quá trình phân loại cũng sẽ bỏ các nhãn giấy dán trên vỏ chai lọ thủy tinh, và tất cả những thứ không phải thủy tinh như nút chai, nắp hộp kim loại và cả những loại thủy tinh không thể tái chế.
Tái chế thủy tinh cũng là cách bảo vệ môi trường
Thủy tinh sau khi phân loại cơ bản sẽ được đưa vào máy đập để đập vỡ, tiếp đó sẽ đưa qua các máy tách kim loại, nhựa, giấy, rồi nghiền thành những mảnh vụn nhỏ – được gọi là cullet. Mục đích nghiền thủy tinh là để các mảnh thủy tinh không còn sắc nhọn gây nguy hiểm, sau đó tiếp tục đem rây để lọc lại những mảnh lớn để nghiền tiếp, cho ra kích thước hạt thủy tinh mong muốn. Cullet được định nghĩa là thủy tinh sau khi nghiền nát và không chứa các chất phi thủy tinh, sẵn sàng để đưa vào máy trộn để chế tạo thủy tinh mới.
Sản phẩm thủy tinh tái chế từ cullet sẽ tiêu thụ ít hơn 40% năng lượng so với việc làm ra thủy tinh mới. Thường thì thủy tinh tái chế được dùng để tạo ra chai lọ thủy tinh, sản phẩm sợi thủy tinh, bình thủy, thùng chứa thủy tinh, mặt bàn kính tái chế, cốt liệu bọt (foam aggregate), lớp phủ nền…, hoặc thậm chí được sử dụng thay thế cát trong nhiều ứng dụng công nghiệp. Ngoài khả năng tái chế thành những chai lọ, thủy tinh còn có thể được dùng để xây tường và trang trí cảnh quan.
Do thủy tinh được làm từ những vật liệu ổn định như cát và đá vôi nên chúng rất ít chịu ảnh hưởng và tương tác hóa học với các chất xung quanh, vì thế thủy tinh có thể được tái sử dụng nhiều lần mà chất lượng hầu như không thay đổi.
Tái sử dụng thuỷ tinh cũng là một cách giảm ô nhiễm
Thủy tinh có thể tái chế hoàn toàn và vô số lần, không như nhựa PET1 (chai nước suối) tối đa khoảng 10 lần nếu phân loại hoàn hảo. Nhưng nếu không được tái chế mà xử lý chôn lấp thì thủy tinh sẽ không bao giờ phân hủy được.
Hiện nay các chai lọ thuỷ tinh vẫn thường bị bỏ lẫn vào thùng rác cùng các loại rác thải sinh hoạt khác. Điều này khá nguy hiểm, đặc biệt là khi thuỷ tinh bị vỡ. Nhưng có một vấn đề là, ngay cả khi người dân chủ động phân loại riêng rác thuỷ tinh thì cũng không biết mang đi đâu để chúng được tái chế.
Không thấy có đơn vị nào đứng ra thu gom thuỷ tinh tái chế, những người làm nghề “ve chai” chuyên thu gom rác tái chế cũng thường từ chối nhận đồ thuỷ tinh. Nếu có nơi nào nhận thuỷ tinh để tái chế thì chắc chỉ có các lò nấu thuỷ tinh thủ công nhưng số lượng các lò này ngày càng ít và người dân cũng thường không biết họ ở đâu mà giao rác thuỷ tinh thu gom được.
Đồ dùng bằng thuỷ tinh được nhiều người ưa chuộng sử dụng vì chúng an toàn với sức khoẻ hơn so với đồ nhựa, nhưng việc thu gom để tái chế lại khó khăn hơn, tỉ lệ thuỷ tinh được tái chế vẫn còn rất thấp ngay cả ở các quốc gia phát triển. Do đó, để giảm tác hại môi trường do rác thuỷ tinh, chúng ta hãy tăng cường tái sử dụng đồ dùng bằng thuỷ tinh, ví dụ có thể tận dụng các chai lọ thuỷ tinh làm lọ cắm hoa, hoặc đồ dùng để trang trí. Vật dụng bằng thuỷ tinh có thể được dùng để vẽ tranh, tạo hình nhằm mang lại sức sống mới cho chúng thay vì ném chúng vào thùng rác.
An Nhiên (T/h)