(Moitruong.net.vn) – Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 160.000 đồng – 200.000 đồng/tháng so với hiện nay, được đề xuất áp dụng quy định mới từ ngày 1/1/2019.
Vé tàu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sẽ được bán từ ngày 1/10/2018
Hoài niệm Hà Nội phố
Ảnh minh họa
Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Dự thảo Nghị định quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thay thế cho Nghị định 141/2017/NĐ-CP.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này sau đây gọi chung là doanh nghiệp.
Mức lương cụ thể dự tính được điều chỉnh tăng như sau: Lương tối thiểu tại Vùng I tăng thêm 5,0% (mức mới 4.180.000 đồng/tháng); Lương tối thiểu tại Vùng II tăng thêm 5,1% (mức mới 3.710.000 đồng/tháng); Lương tối thiểu tại Vùng III tăng thêm 5,2% (mức mới 3.250.000 đồng/tháng); Lương tối thiểu tại Vùng IV tăng thêm 5,8% (mức mới 2.920.000 đồng/tháng).
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 5 – 5,8% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 5,3%.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu trên được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2018 dự kiến khoảng 3,5% – 4% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,3% – 1,8% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, qua tổng hợp đề xuất của các địa phương, có 59/63 địa phương đề nghị giữ nguyên địa bàn áp dụng mức lương vùng như hiện hành.
Hà Thu (T/h)