Tạo sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Tài nguyên & Môi trường

Theo ĐCS|12/07/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lê Công Thành thứ trưởng Bộ TN & MT đề nghị các đơn vị đề xuất nhiệm vụ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu…

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của các đơn vị: Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và  Biến đổi khí hậu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2020, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, phương hướng chung chỉ đạo của Chính phủ năm 2019 tiếp tục xu hướng tiết kiệm chi ngân sách, tinh giản bộ máy, biên chế; các đơn vị căn cứ vào tiền đề đó để đưa ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Các đơn vị phải đề xuất những nhiệm vụ cấp bách nhất, đột phá và tạo ra được hiệu ứng, sức lan tỏa về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và viễn thám.

Về lĩnh vực tài chính, cần ưu tiên, xem xét thực hiện các đề án, dự án thiết thực, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của xã hội về tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai… ; bổ sung các dự án cần đầu tư vào danh mục trên cơ sở ưu tiên những vấn đề cấp thiết, đồng thời tổng hợp và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Toàn cảnh cuộc họp 

Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, chú ý xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xã hội hóa khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo cũng như các hoạt động liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

Cục Biến đổi khí hậu lựa chọn những dự án phù hợp, cần thiết trong bối cảnh hiện nay để tập trung thực hiện; xây dựng luận cứ, hệ thống công cụ quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu thông qua việc vận hành các thị trường liên quan phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và huy động sự tham gia của các bên có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Cục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; tham gia tích cực vào việc điều chỉnh, bổ sung các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều…; nghiên cứu sự tác động, mối quan hệ liên quan giữa vấn đề biến đổi khí hậu với sự phát triển kinh tế; phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn tăng cường cung cấp dịch vụ liên quan đến khí hậu, thời tiết.

Mặt khác, việc nghiên cứu hấp thụ khí nhà kính từ dải ven biển (dong biển) cần được quan tâm, bởi đây là một vấn đề mới mà một số nước trên thế giới đang thực hiện, nếu làm tốt vấn đề này sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

Đối với Cục Viễn Thám quốc gia, cần tích cực làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, sớm xây dựng Đề án Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời mời các đơn vị chức năng liên quan tham gia thực hiện Đề án này, đảm bảo các nội dung đưa ra thiết thực, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển kinh tế – xã hội – môi trường và công nghệ viễn thám. Việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đối với Đề án này cần được xem xét, cân nhắc, đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả trong hoạt động.

Ngoài ra, Cục cần xem xét việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về công nghệ viễn thám và nghiên cứu hình thành cơ sở dữ liệu chung trong hoạt động viễn thám. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cần tập trung nghiên cứu những đề tài, dự án mới, đề ra những giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ĐCS

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Tài nguyên & Môi trường