Tập trung cho công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất trước mùa mưa lũ

BTNMT|23/08/2017 15:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 22/8, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, quét và sạt lở đất vùng núi phía Bắc và đề ra những giải pháp tăng cường hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu chủ trì cuộc họp

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học công nghệ, Văn phòng Bộ.

Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối và đêm ngày 31/7/2017, các tỉnh Bắc Bộ đã xuất hiện mưa rào và dông trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100 – 200 mm. Sáng ngày 2/8 và 3/8, mưa lớn tập trung với cường độ lớn trong thời gian ngắn xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 150 mm. Do đó, đã gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Mường La (Sơn La) và một số địa phương khác, gây thiệt hại lớn cho đồng bào vùng núi phía Bắc.

Hiện nay, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chủ yếu dựa trên thống kê và các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Trung tâm đã ứng dụng các sản phẩm của hệ thống cảnh báo lũ quét của Ủy ban sông Mê Công; các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét tại 14 tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét đến cấp huyện với tần suất 6 giờ/ lần do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện trong thời kỳ có mưa lớn diện rộng; các bản đồ phân vùng trượt lở đất, đá tại 10 tỉnh vùng núi phía Bắc do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện.

Qua sự kết hợp, chồng chập các loại bản đồ và phân tích thống kê, phân tích kinh nghiệm và tham khảo các kết quả dự báo nước ngoài, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã phối hợp thực hiện 17 bản tin cảnh báo mưa lớn diện rộng, 08 bản tin cảnh báo và tin lũ, 20 bản tin cảnh báo lũ quét và trượt lở đất khu vực miền núi phía Bắc. Phạm vi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đã được cảnh báo trong các bản tin tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc.

Tuy nhiên, các bản tin cảnh báo mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất vẫn chưa đủ chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi. Những bất cập này do nhiều nguyên nhân: do sự lạc hậu về công nghệ quan trắc, thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo khí tượng thủy văn; chưa có các mô hình tiên tiến cảnh báo lũ quét, sạt lở đất liên kết đồng bộ với các thiết bị đo đạc tự động, viễn thám; chưa có thông tin hoặc có nhưng không đủ độ chi tiết các số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát về cấu trúc địa chất, địa mạo của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét; do tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê, cập nhật đầy đủ trong các mô hình cảnh báo, dự báo…

hoi nghi bo tai nguyen1

Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ghi nhận nỗ lực của các đơn vị đã phối hợp thực hiện dự báo, cảnh báo mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc trong thời gian qua.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác cảnh báo và giảm thiểu tác hại của mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường mật độ mạng lưới trạm đo mưa tự động và tiến hành lắp đặt sớm một số trạm đo mưa có vị trí quan trọng; đồng thời, tiếp tục cải thiện, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và truyền tin và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ trượt lở đất đá ở các vùng núi cho người dân…

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục phối hợp tốt với các Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản bàn giao và hướng dẫn các địa phương sử dụng tốt bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000 để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo và lên phương án di dân tái định cư, đảm bảo sự an toàn cho người dân trước mùa mưa lũ. Cùng với đó, phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, bổ sung các loại bản đồ trước mùa mưa lũ để phục vụ tốt nhất cho công tác cảnh báo, dự báo mưa, lũ và sạt lở đất.

BTNMT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tập trung cho công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất trước mùa mưa lũ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.