Huyện Tây Giang được thành lập vào ngày 10/3/1963 sau khi chia tách huyện Thống Nhất thành ba huyện mới là Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Đến ngày 17/11/1974, Tỉnh uỷ Quảng Đà ra Nghị quyết số 15-NQ/TV hợp nhất huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Hiên.
Thể theo nguyện vọng của Nhân dân trong huyện và nhằm tạo điều kiện cho các địa phương cùng phát triển; ngày 20/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP chia tách huyện Hiên thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang. Huyện Tây Giang chính thức đi vào hoạt động vào ngày 08/9/2003.
Ngay từ buổi ban đầu tái lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn (không điện, không đường, không trường, không trạm, không trụ sở làm việc...) nhưng với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển; sau 20 năm tái lập, huyện Tây Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Đảng bộ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng; từ 23 tổ chức đảng, với 487 đảng viên, đến nay, đã có 47 tổ chức đảng, với 2.196 đảng viên, tỷ lệ đảng viên trên tổng dân số là 10,2%; phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu được xây dựng và từng bước hoàn thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; có 10/10 xã và 62/63 thôn có đường ôtô; 10/10 xã có điện lưới quốc gia. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt hơn 841 tỷ đồng (tăng 38,5 lần so với năm 2003).
Đặc biệt, Tây Giang được đánh giá là địa phương điển hình của tỉnh Quảng Nam trong thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến nay huyện đã sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 123 điểm dân cư/5.334 hộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng như: điện, đường giao thông, cấp nước... tại các điểm bố trí dân cư được đầu tư khá đồng bộ, bền vững, phù hợp với văn hóa làng. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm bình quân 5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 26,6 triệu đồng (tăng 19 lần so với năm 2003). Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong huyện được cải thiện rõ rệt.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt nhiều kết quả nổi bật, độ che phủ rừng không ngừng tăng lên, đạt trên 73%; trong đó, có cánh rừng di sản Pơ Mu, rừng Lim, rừng Đỗ Quyên. Niềm tự hào vô cùng của đồng bào dân tộc CơTu, huyện Tây Giang là đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng giải thưởng môi trường Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững.
Công tác đối ngoại nhân dân được duy trì và tăng cường; đặc biệt là đã giữ gìn tốt mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sêkoong, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc đáng tự hào đó, Đảng, Nhà nước đã tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: 02 Huân chương lao động hạng Nhì, 01 Huân chương lao động hạng Ba, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Tây Giang đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được trong suốt chặng đường qua. Đây là minh chứng sinh động, hùng hồn khẳng định Tây Giang không chỉ xứng đáng là địa phương anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà còn anh hùng trong lao động, sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Đồng chí khẳng định: Tây Giang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong những năm chiến tranh, đồng bào các dân tộc huyện Tây Giang một lòng, một dạ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ. Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất thì dãy Trường Sơn hùng vĩ trên địa phận huyện Tây Giang, là nơi che dấu, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng trước những trận ném bom rải thảm của địch. Đồng bào các dân tộc nơi đây một lòng thủy chung, sắt son với Đảng, cùng với lực lượng cách mạng làm nên chiến công oanh liệt trên con đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần giải phóng Quảng Nam và cùng với đồng bào cả nước làm nên bản hùng ca của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tây Giang là phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa; chủ động tâm thế ứng phó với những thách thức và sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, quyết liệt hành động để xây dựng Tây Giang ngày càng phát triển bền vững, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tây Giang cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả đã đạt được trong suốt chặng đường qua; tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; trong đó, cần chú ý tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP của địa phương. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có giá trị kinh tế cao. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơtu; tích cực quảng bá, giới thiệu, liên kết với địa phương lân cận để phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi hành trình, phát huy mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... Chủ động hội nhập, tìm kiếm thị trường, kêu gọi xúc tiến đầu tư để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ và ngành nghề truyền thống. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; từng bước xây dựng và phát triển cửa khẩu phụ Tây Giang – Kạ Lừm thành cửa khẩu chính.
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở, trọng tâm là tăng cường công tác y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nhất là công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng thôn trong việc tuyên truyền, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; vận động người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với huyện giáp biên Kạ Lừm, tỉnh Sêkoong, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn, an ninh biên giới, bảo vệ chính trị nội bộ.
Tiếp tục củng cố, giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương Tây Giang ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được tốt hơn.
“Với truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó đi lên, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu mạnh, cuộc sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”- đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nhấn mạnh.
Dịp này, nhằm động viên tinh thần nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tây Giang, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tặng huyện Tây Giang bức trướng với nội dung “Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”.
Trước đó, được sự uỷ quyền của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Phan Việt Cường đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đại diện lãnh đạo huyện Tây Giang.
Sau buổi Lễ, đông đảo người dân và du khách đã thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo mang đậm sắc màu các dân tộc miền núi Tây Giang; ôn lại những chặng đường hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc huyện Tây Giang nói riêng trong những năm tháng đấu tranh và xây dựng quê hương, đất nước hoà bình, phát triển hiện nay.