Có một vùng biên Tén Tằn thật khác, nơi nghèo khó đang dần lùi xa, để nhường chỗ cho những đổi thay, khấp khởi…

Một dạo cái nghèo phủ vây

ten-tan.jpg
Người dân Tén Tằn trong giai đoạn còn nghèo khó, được Nhà nước hỗ trợ kéo điện

Ngược dòng thời gian, quay lại Tén Tằn hơn 8 năm trước, câu chuyện về hoàn cảnh của hộ gia đình em Hà Văn Giang, khiến tôi nhớ mãi. Giang sinh ra trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất của xã Tén Tằn cũ (hiện tại đã sáp nhập vào thị trấn Mường Lát), huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Khá hơn các anh trong nhà, Giang chật vật học được lên đến lớp 9. Cậu chỉ chịu dừng lại khi số phận đen đủi gọi tên mình với một căn bệnh quái ác; Căn bệnh mà theo những lời lý giải ngô nghê của Giang thì nó vừa không có thuốc chữa nhưng cứ thi thoảng lại ngất, phải tiêm thuốc đều mới sống được. Nghỉ học về nhà dưỡng bệnh được chừng 2 năm, ở tuổi 17, Giang quyết định chấm dứt chuỗi ngày bế tắc của mình bằng cách lao vào một lối mòn còn bế tắc hơn: Cưới vợ. Cha mẹ cậu đồng ý, không cần giấy chứng nhận kết hôn, đôi vợ chồng trẻ hí hửng về ở với nhau, thế là nên vợ thành chồng. Một đám cưới lặng lẽ, nhẹ nhàng - một tương lai quẩn quanh, trì trệ và mịt mù lại tiếp nối. Rồi chẳng mấy chốc, một rồi hai đứa con lần lượt ra đời, đứa thứ hai cách đứa thứ nhất chưa đầy 1 năm. Giang kể với tôi chúng hay quấy, yếu ớt và chậm lớn. Không quấy sao được khi từng cơn đói cứ hành hạ chúng hết ngày này qua tháng nọ. Không yếu sao được khi người mẹ chỉ nuôi chúng bằng nguồn sữa được tạo ra từ cơm trắng, muối, mắm tôm và rau rừng. Lòng nặng trĩu, bất giác tôi bâng quơ hỏi Giang: "Sao không làm gì để thoát nghèo đi, để vợ con khổ mãi sao?". Giang tủm tỉm cười, rồi thản nhiên đáp: "Cả bản nghèo mà, phải riêng nhà mình đâu".

Hoàn cảnh của vợ chồng Giang cũng là câu chuyện chung của hầu hết các hộ dân của khu phố Tén Tằn hơn 8 nằm trở về trước, khi tất thảy đều mang một nỗi buồn sâu thẳm: “Nghèo, bế tắc”. Cái nghèo thuở ấy của Tén Tằn không phải diễn tả nhiều, mà chỉ cần những con số thống kê về tình hình phát triển kinh tế được đọc lên, đã đủ khiến người nghe ái ngại, xót xa: “Tỉ lệ hộ nghèo trên 80%; Thu nhập bình quân dưới 8 triệu đồng/người/năm”.

Một Tén Tằn không cửa hàng, cửa hiệu. Kinh tế của địa phương thời điểm đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ thâm canh thấp, vụ đông chưa trở thành vụ sản xuất chính. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ manh mún, nhỏ lẻ. Chất lượng giáo dục kém, cơ sở vật chất nhà trường nghèo nàn. Các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, chữa bệnh bủa vây, bám riết lấy cuộc sống của người dân…

Khấp khởi đổi thay

Trở lại với Tén Tằn của hiện tại. Trong buổi làm việc với ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát, tôi bất ngờ được đặt một câu hỏi đầy gợi mở: “Phóng viên thấy điểm đổi thay lớn nhất của huyện Mường Lát là gì?” Một thoáng lưỡng lự, tôi nhanh chóng thể hiện những am hiểu của bản thân về mảnh đất này, bằng câu trả lời khiến người hỏi phải gật gù, tấm tắc: “Đổi thay và cũng là dấu ấn rõ nét nhất mà huyện Mường Lát đã làm được trong những năm qua, chính là đã đưa Tén Tằn từ một xã nghèo, lạc hậu thành một khu phố phát triển, giàu bản sắc”.

15-ttan.jpg
Đổi thay của Tén Tằn không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương mà còn tác động tích cực đến đời sống của từng người dân

Thật vậy, Tén Tằn hiện tại đã được tô điểm bằng những mái nhà kiên cố, khang trang; Không còn cảnh lụp xụp, xiêu vẹo, thay vào đó, mỗi ngôi nhà đều mang dáng dấp của ấm no, hạnh phúc. Dọc đường quốc lộ 15C chạy qua khu phố, hàng quán mọc lên san sát, kinh doanh đủ loại mặt hàng, từ gia dụng đến điện tử, thời trang rồi ẩm thực,… Tuy quy mô không lớn, nhưng đủ khiến cuộc sống nơi đây trở nên sôi động, phong phú. Đổi thay còn được nhìn thấy trên từng gương mặt rạng rỡ của người dân nơi đây; Phụ nữ Tén Tằn không còn khép mình bên khung cửa sau mỗi mái nhà, mà đã mạnh dạn thể hiện bản thân; Còn đàn ông, thay vì những trận rượu quên ngày tháng, đã tích cực lo làm kinh tế, trở thành chỗ dựa vững chắc trong gia đình;… Theo số liệu thống kê của UBND thị trấn Mường Lát, tỉ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm xuống dưới 30%; Tỉ lệ hộ cận nghèo xuống còn 21%; Các tệ nạn, hủ tục đã được kiểm soát, bài trừ; Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; Tỉ lệ trẻ không được đến trường giảm xuống mức thấp nhất; 100% trẻ em được tiêm chủng đúng độ tuổi…

Vậy động lực nào để Tén Tằn có được bước chuyển mình như ngày hôm nay? Tôi hỏi ngược lại vị Chủ tịch thị trấn đầy mẫn cán và trách nhiệm. Gương mặt như giãn ra, anh cười, hồ hởi nói: “Đó là nhờ ơn Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, việc Tén Tằn được chọn để xây dựng trung tâm của thị trấn Mường Lát, đã mang đến hơi thở, sức sống mới cho vùng đất này”. Không để đứt mạch câu chuyện, anh Hiệp tiếp tục: Những năm qua, nền kinh tế của Tén Tằn chuyển dần từ thuần nông sang kết hợp nông nghiệp gắn liền với các loại hình thương mại - dịch vụ. Đường xá thông thoáng giúp cho việc lưu thông hàng hóa phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu của người dân được đáp ứng, kinh tế chuyển từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa...

Những ông chủ, bà chủ vùng biên

Đổi thay của Tén Tằn không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương mà còn tác động tích cực đến đời sống của từng người dân. Chị Hà Thị Nhiên, 35 tuổi, chính là một minh chứng điển hình. Không bằng lòng trói cuộc đời mình với đồng ruộng và núi rừng, chị Nhiên đã mạnh dạn lựa chọn một hướng đi riêng, khá mạo hiểm nhưng đầy bản lĩnh: Kinh doanh nông sản. Chị nhập đủ loại mặt hàng từ nước bạn Lào về, nào cam, gạo nếp, măng rừng,… để phục vụ bà con địa phương. Cơ sở kinh doanh của chị cứ lớn dần lên mỗi ngày, từ thúng đến sạp rồi vươn tới cửa hàng. Kinh tế gia đình không những đi vào ổn định mà còn có của ăn của để. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, chị và chồng còn mạnh dạn đầu tư vào mảng kinh doanh ăn uống, với dịch vụ ngắm hoa hướng dương và thưởng thức ẩm thực Việt - Lào, ngay sát biên giới. Cơ sở kinh doanh của chị không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn trở thành điểm nhấn, khiến nhịp giao thương vùng biên vốn đã sôi động lại càng trở nên náo nhiệt và nhiều màu sắc hơn.

Ngoài chị Nhiên, danh sách những ông chủ, bà chủ vùng biên Tén Tằn phải kể đến anh Hà Văn Chục, với thành công từ mảng kinh doanh vật liệu xây dựng và mở trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, ngoài thu nhập trung bình từ 200 – 300 triệu đồng/năm, anh Chục còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Cuộc sống vùng biên Tén Tằn hiện tại giờ đã khác trước nhiều, khi người dân đã nhạy bén với các loại hình kinh doanh, biết tận dụng nhu cầu giao thương và tranh thủ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước để thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tén Tằn thức giấc…