Thông báo kết quả thành công của chuyến thăm, thành tựu hợp tác hai nước, Chủ tịch nước cho rằng, kết quả đó có vai trò đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia. Chủ tịch nước hoan nghênh Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cùng các doanh nghiệp Indonesia có nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam về đầu tư, thương mại, và cho biết, điều đó góp phần quan trọng vào kết quả hợp tác hai nước, nhất là vào năm 2023, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược.
Cho biết chuyến thăm Indonesia lần này nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia, tin cậy chính trị được nâng lên, hợp tác kinh tế phát triển toàn diện, Chủ tịch nước cho rằng, đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước yên tâm mở rộng hợp tác.
Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam và Indonesia đều có dân số đông, thị trường lớn, cùng đặt ưu tiên hợp tác nội khối ASEAN thì con số kim ngạch thương mại hai chiều mới 13 tỷ USD còn thấp. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp hai nước cần hiểu rõ tận cùng nhu cầu thị trường của nhau.
Đánh giá cao Indonesia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư thành công nhất trên thế giới và mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy doanh nghiệp Indoneisa tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Việt Nam để tương xứng mối quan hệ Đối tác chiến lược.
Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là cơ hội cho các doanh nghiệp Indonesia. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư.
Hoan nghênh đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực là thế mạnh của hai nước là nông nghiệp và thủy sản, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch và Phòng tiếp tục đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư và thương mại, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD theo hướng cân bằng vào trước năm 2028 như thống nhất của lãnh đạo hai nước; đặc biệt về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại nội khối ASEAN trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, tuân thủ các quy định, thông lệ quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do ASEAN+.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, vui mừng quan hệ thương mại song phương được đẩy lên tầm cao mới. Ông bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư hai nước còn rất lớn và cam kết Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia sẽ thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại và thúc đẩy đầu tư. Trong đó, ông mong muốn doanh nghiệp hai nước kết nối tạo thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp hai nước còn có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nghề cá, ô tô, ô tô điện và Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư Indonesia đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này. Ông cũng mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia để các sản phẩm của Việt Nam và Indonesia tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thành công của chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia mong muốn lãnh đạo, bộ ngành hai nước có kế hoạch triển khai các thỏa thuận hợp tác, làm cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Cũng trong sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Budiarsa Sastrawinata, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ciputra. Chủ tịch nước đánh giá cao các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam 20 năm qua, đã đầu tư gần 3 tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản. Trong đó, Khu đô thị Nam Thăng Long đang là một trong những dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn và là khu đô thị ấn tượng trong quần thể thắng cảnh Hồ Tây, Hà Nội.
Với những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước đạt được trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam, mở rộng trong những lĩnh vực đầu tư mới mà Việt Nam ưu tiên. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, du lịch trong nước và quốc tế phát triển mạnh với nhiều thắng cảnh đẹp... Do đó, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và hấp dẫn cho các doanh nghiệp phát triển.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, chúc mừng Chủ tịch nước về chuyển thăm thành công tốt đẹp, ông Budiarsa Sastrawinata cảm ơn Chủ tịch nước luôn ủng hộ ông trên cả hai cương vị Chủ tịch Hội Hội Hữu nghị và Tổng Giám đốc Tập đoàn; cảm ơn Việt Nam ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn của Ciputra tại Hà Nội. Trong đó, Khu đô thị Nam Thăng Long với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD và Khách sạn 5 sao Pullman Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 66 triệu USD. Tập đoàn mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Tiếp đó trong sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Albert, đồng Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka, một doanh nghiệp sở hữu nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, với thị trường hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.
Chủ tịch nước hoan nghênh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Tập đoàn Traveloka tại Việt Nam trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều ứng dụng tiện ích, phục vụ nhu cầu về du lịch, phong cách sống của người dân Việt Nam. Với hiệu quả kinh doanh ứng dụng nền tảng công nghệ số, Chủ tịch nước mong muốn Tập đoàn mở rộng hợp tác ở Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch nước cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số giữa Tập đoàn và các doanh nghiệp Việt Nam, mở rộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mong muốn Tập đoàn quan tâm, mở rộng quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt qua hệ thống của Tập đoàn.
Việt Nam có nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, văn hóa ẩm thực, danh lam thắng cảnh, tuy nhiên lượng khách du lịch giảm sau đại dịch, do đó Chủ tịch nước mong muốn Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ quảng bá, đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, thu hút thêm lượng lớn khách du lịch đến khám phá Việt Nam.
Bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về các vấn đề nêu ra, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka cho biết, Tập đoàn có hơn 1 triệu lượt người đăng ký sử dụng dịch vụ số, tập trung ở khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn đã hợp tác với hơn 3.000 doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá văn hóa, phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ một số địa phương quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch. Vừa qua, Tập đoàn đã có hội nghị bàn tròn với Tổng cục Du lịch Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở Việt Nam.
Ông Albert cho biết, Tập đoàn có 880 nhân viên ở Việt Nam và mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp du lịch. Từ thành công khởi nghiệp của Tập đoàn mình, ông mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ cho các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia, trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Indonesia, bà Puan Maharani và hội kiến quyền Chủ tịch Lưỡng viện Indonesia Arsul Sani.
Hội đàm với Tổng thống Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Indonesia đón tiếp đoàn trọng thị, thắm tình hữu nghị và trân trọng chuyển tới Tổng thống Widodo lời thăm hỏi thân tình của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Chủ tịch nước chúc mừng Indonesia đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, hoàn thành tốt đẹp vai trò Chủ tịch G20 năm 2022, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế; nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia và bày tỏ mong muốn hai nước cùng phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, năm đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập nước ở mỗi nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng trân trọng mời Tổng thống Indonesia thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Indonesia trên tất cả các lĩnh vực then chốt, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, đến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo và văn hóa. Đặc biệt, hợp tác thương mại đã đạt bước tiến vượt bậc; kim ngạch hai chiều 11 tháng của năm 2022 đạt gần 13 tỷ USD, vượt con số của cả năm 2021 và ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, nhất là Ủy ban hợp tác song phương và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là Chương trình hành động giai đoạn 2019 - 2023 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược và sớm xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2024 – 2028; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt 15 tỷ USD trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng phối hợp duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; thúc đẩy thực thi DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Indonesia tổ chức thành công Hội thảo kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Kết thúc Hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết và trao đổi một số văn kiện hợp tác gồm Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống khủng bố; Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất; Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản.
Tại cuộc hội kiến với bà Puan Maharani - Chủ tịch Quốc hội Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Quốc hội Indonesia đã tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện G20 (P20), góp phần giúp Indonesia hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch G20 năm 2022; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN cũng như Chủ tịch Đại Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 44 năm 2023; nhấn mạnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi thiết lập Đối tác chiến lược từ năm 2013, các lĩnh vực hợp tác được mở rộng và ngày càng hiệu quả; khẳng định coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Indonesia.
Bà Puan Maharani nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Bà Puan Maharani chúc mừng Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội thời gian qua bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19; bày tỏ vui mừng trước kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Indonesia Joko Widodo; khẳng định Quốc hội Indonesia ủng hộ các Thỏa thuận hợp tác đã được ký kết dịp này.
Chủ tịch Quốc hội Indonesia nhất trí tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, các kênh, trong đó có đoàn Lãnh đạo Quốc hội hai nước cũng như các Ủy ban của Quốc hội để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật và phối hợp giám sát các Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước nhằm phát huy vai trò của cơ quan lập pháp hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có tăng cường hợp tác biển, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện đa phương khác như Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), đồng thời sẵn sàng ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp, ủng hộ việc duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Bà Puan Maharani. Bà Puan Maharani vui vẻ nhận lời và trên cương vị Chủ tịch AIPA 2023, trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội ta tham dự AIPA 44 tại Indonesia trong năm tới.
Hội kiến quyền Chủ tịch Lưỡng viện Indonesia Arsul Sani, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Indonesia đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch G-20 năm 2022 và tin rằng, Indonesia sẽ tiếp tục thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 cũng như Chủ tịch Đại hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 44. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa quốc hội hai nước thời gian qua, đánh giá cao đóng góp tích cực của Lưỡng viện Indonesia đối với quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp, các kênh, trong đó có kênh nghị viện để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật và phối hợp giám sát các Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; thúc đẩy ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội (thay thế cho Thỏa thuận ký năm 2010) làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Chủ tịch nước đề nghị Lưỡng viện Indonesia ủng hộ thiết lập thêm quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương hai nước, trước mắt là giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Bali, Đà Nẵng với Semarang để góp phần mở rộng giao lưu nhân dân, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF); ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.