Theo báo cáo, trong khoảng tháng 6-7 vừa qua, tại khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ) do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn vỗ bờ với tần suất cao nên xâm thực mạnh đã gây sạt lở, làm mất đất sản xuất và đất ở của một số hộ dân.
Đã có khoảng 7,5 ha (chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng trung bình khoảng 50 m, có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền khoảng 100 m), trong đó, đất rừng sản xuất khoảng 5,2 ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5 ha, còn lại là đất bãi bồi và đất ở, đất biên phòng.
Đặc biệt tình trạng sạt lở xâm thực đã làm mất đất ở của 3 hộ dân khoảng 1.000 m2 và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới.
Trong một tuần qua, UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có các chuyến khảo sát thực tế sự cố sạt lở, xâm thực bờ biển tại đây.
Qua kiểm tra cho thấy, khu vực ven biển Lạch Hới thuộc địa phận thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ bị nước biển xâm thực sâu vào đất liền, có nơi sâu tới 200m; gây sạt lở hơn 150.000m3 đất ở của 3 hộ dân, đất nuôi trồng thủy sản, đất quy hoạch cụm công nghiệp, đất rừng sản xuất... và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới (thuộc Đồn Biên phòng Hoằng Trường).
Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2022 đến nay, do ảnh hưởng của bão số 6 và không khí lạnh, gió mạnh, triều cường, hiện tượng sạt lở tại đây diễn biến rất nghiêm trọng và phức tạp. Dự báo, thời gian tới, hiện tượng sạt lở, xâm thực có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã giao UBND huyện Hoằng Hóa khẩn trương cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ mất an toàn, nghiêm cấm người dân và khách du lịch ra vào khu vực nguy cơ sạt lở. Huyện Hoằng Hóa lập phương án, tổ chức di dời khẩn cấp hộ dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Ngày 24/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực biển Hoằng Phụ.
Sở đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Hoằng Hóa triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, UBND tỉnh khẩn trương xây dựng, phê duyệt, triển khai trên thực tế phương án chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới theo đúng quy định và thực hiện biện pháp gia cố phù hợp, hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực. Về lâu dài, Sở đề nghị tỉnh bố trí vốn đầu tư công trình xử lý kiên cố chống sạt lở, xâm thực đảm bảo ổn định lâu dài cho khu vực biển Lạch Hới.