(Moitruong.net.vn) – Nhiều năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm ven bở biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) luôn phải đối mặt với tình trạng hàng trăm tấn rác thải trôi dạt hàng km dày. Chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra phương án khắc phục triệt để tình trạng này bởi dân cư quá đông.
Thanh Hóa: Ô nhiễm tại vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc)
Biển Ngư Lộc có tiềm năng kinh tế rất lớn, điều kiện địa lý tự nhiên phù hợp khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng, từ hàng thập kỷ qua biển Ngư Lộc bị ô nhiễm nặng nề vì rác phần lớn do chính những người dân nơi đây thải ra.
Xã Ngư Lộc được biết đến là một trong những xã có diện tích nhỏ nhất và mật độ dân số lớn nhất Việt Nam. Với diện tích 0,46 km2 , số liệu thống kê dân số năm 2015 là 17.441 người, mật độ dân số của xã này là 37.915 người/km2, gấp 110 lần so với mức trung bình ở Việt Nam và thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Trừ đi quỹ đất dành cho cơ sở hạ tầng, chỉ còn lại 0,37 km2 đất ở. Chính vì vậy, có đến đây mới thấy lượng rác mà người dân thải ra môi trường hiện nay cũng nhiều nhất với trung bình 10 tấn/ngày. Không gian sống chật trội, ngột ngạt, đất hiếm và đắt đỏ khiến Ngư Lộc được nhiều người ví như “phiên bản mới mà nhỏ hơn của phố cổ Hà Nội”.
Hoạt động mua bán, chế biến thủy hải sản đều thực hiện cạnh rác thải. Nhìn những món hải sản được sơ chế, phơi phóng ngay trên đê biển, cạnh đó có rất nhiều rác thải, ruồi nhặng bâu đầy rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, theo người dân họ cực chẳng đã mới phải làm vậy, vì không còn chỗ khác để phơi.
Theo chị Lê Thị Huệ (Thắng Lộc – Ngư Lộc) cho biết: “Hiện nay, có công ty đi thu gom rác thì cũng đỡ hơn trước, chúng tôi cũng tự ý thức được là ô nhiễm môi trường thì hậu quả về sức khỏe, về kinh tế trước tiên là chúng tôi phải chịu. Thế nhưng dân cư chúng tôi đa phần bám biển, thu gom rác sinh hoạt tại nhà là một phần nhỏ thôi, chứ hoạt động mua bán, chế biến trên bờ biển của ngư dân, thương lái, tàu thuyền neo đậu hàng ngày tấp nập thải ra một lượng rác rất lớn. Không có bãi rác, nhân viên môi trường cũng không thu gom rác ở bờ biển, nên lượng rác ở bờ biển vẫn còn nhiều”.
Với cuộc sống như vậy, hằng năm bệnh dịch ngoài da, hô hấp cũng là một mối đe dọa thường trực với người dân nơi đây. Theo thống kê của Trạm Y tế xã Ngư Lộc số trẻ em thường hay mắc các bệnh về mắt, đường ruột, hô hấp cao hơn rất nhiều so với các xã khác. Môi trường độc hại đang ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân và hệ sinh thái biển.
Từ năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt khu bãi rác và xử lý chất thải khu vực miền biển huyện Hậu Lộc, vị trí được đặt tại xã Minh Lộc với tổng diện tích là 3,2ha, xử lý theo hình thức chôn lấp kết hợp với xử lý rác thải bằng bể yếm khí với tổng mức đầu tư là 8,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vì lượng rác thải quá lớn của 5 xã ven biển, nhận thấy hình thức xử lý bằng chôn lấp có nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nên đến năm 2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt và điều chỉnh dự án trên sang công nghệ lò đốt chất thải của ENVIC với tổng mức đầu tư 32,2 tỷ. Sau khi triển khai giải phóng mặt bằng, làm đường dẫn vào khu bãi rác thì nguồn kinh phí không đủ, dẫn đến dự án phải “đắp chiếu” cả một thời gian dài, với nhiều hệ lụy môi trường, lãng phí tài nguyên…
Do nguồn kinh phí công nghệ đốt quá lớn, năm 2012 UBND tỉnh lại có quyết định điều chỉnh dự án sang hình thức chôn lấp, kết hợp xử lý nước rác bằng hệ thống lọc nước đáy hố và bể yếm khí với tổng mức đầu tư là 19 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án này không thể thực thi vì cạnh đó là tập trung 20 trang trại nuôi trồng thủy hải sản, xử lý chôn lấp sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và đất khu nuôi trồng.
Từ hiệu quả của lò đốt rác thải sinh hoạt mini cho hộ gia đình tại xã Đại Lộc và Phú Lộc, mới đây, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại xã Tiến Lộc, công suất 150 tấn rác/ngày đêm, dự kiến phục vụ xử lý rác cho toàn huyện Hậu Lộc.
Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết: “Xã không có quỹ đất để xây dựng bãi rác, lượng rác thải ra của xã là 10 tấn/ngày hiện đang hợp đồng với công ty môi trường Tam Điệp thu gom đêm đi xử lý. Rác biển hiện nay một phần là do hoạt động mua bán nghề cá, một phần là do thủy triều đẩy từ ngoài khơi vào. Xã chúng tôi hiện nay một tháng tổng vệ sinh 1 lần từ ngày 22,23 (Âm lịch) đến 28,29 (Âm lịch), đồng thời luôn luôn tuyên truyền người dân không vứt rác xuống biển, nhưng lượng rác quá lớn không thể xử lý hết được. Xã đang chờ khu xử lý rác công nghệ đốt ở Tiến Lộc dự kiến tháng 12/2017 này sẽ có thể đưa vào sử dụng giải quyết trăn trở của chính quyền và người dân Ngư Lộc suốt nhiều năm qua”.
Như vậy, suốt nhiều năm hy vọng, chờ đợi đến nay tình trạng rác thải ở xã biển Ngư Lộc vẫn chưa thể giải quyết triệt để do chưa có một khu xử lý rác công suất lớn đáp ứng được cho dân cư đông đúc nơi đây. Ngư Lộc có nhiều cái nhất, nhưng là những cái nhất chẳng ai mong muốn bởi hệ lụy mà nó đem đến. Hy vọng dự án trên sẽ sớm được đưa vào hoạt động để người dân sớm không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm độc hại và trả lại sự trong lành cho môi trường biển.
Theo Công Lý