Thành phố Hồ Chí Minh: Ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ dịp cuối năm

Minh Trang (T/h)|31/12/2019 13:52
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhưng nỗi lo về nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn gia tăng.

Các vụ cháy nghiêm trọng thường xảy ra tại hộ gia đình kết hợp hộ kinh doanh… Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn…

Nguy cơ cháy, nổ từ việc câu mắc điện tùy tiện, hàng hóa bừa bộn, nấu nướng, chế biến thức ăn tại chỗ… mà còn tiềm ẩn nguy hiểm từ các bảng quảng cáo chằng chịt che kín mặt tiền… Thực tế, tình hình cháy nổ tại công trình nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm khoảng 50% về số vụ và khoảng 83% thiệt hại về người do cháy, nổ ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Điển hình là vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 15h40 chiều 23-12, tại căn nhà 3 tầng số 56, đường Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10 gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Khu vực xảy ra cháy là nơi sinh hoạt của gia chủ còn tầng trệt kinh doanh điện thoại, máy tính và linh kiện công nghệ. Dù rất nỗ lực, nhưng phải đến 16h30 cùng ngày, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mới khống chế được đám cháy.

Cuối năm cũng là thời điểm tập trung nhiều vụ cháy nổ, Ảnh minh họa

Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình, trong đó có hơn 294.000 hộ gia đình vừa ở, vừa kết hợp kinh doanh, sản xuất, dịch vụ.

Tình hình cháy, nổ trong thời gian qua ở các hộ gia đình vừa ở vừa kết hợp kinh doanh chiếm tỷ lệ 50%. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm do người dân chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…, không xử lý kịp thời khiến cháy lan, cháy rộng. Số lượng nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh quá nhiều, lại không được quy định trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy.

Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quận, huyện có lực lượng mỏng, nên đơn vị chưa tiến hành hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy đến các đối tượng này.

Theo Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (Công an thành phố Hồ Chí Minh), vào dịp cận Tết, nhà ở kết hợp kinh doanh thường tập trung rất nhiều hàng hóa trên một mặt bằng chật hẹp; trong khi đó, thiết bị phòng cháy chữa cháy thiếu, kỹ năng chuyên môn của chủ nhà yếu, nên nguy cơ cháy nổ tăng cao.

Về các giải pháp của cơ quan chức năng, Thượng tá Đỗ Văn Kháng cho biết, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy – Cứu nạn, cứu hộ tăng cường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng gas, điện, hóa chất, sắp xếp, lưu giữ hàng hóa, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm…

Các đội phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp ở các quận, huyện kết hợp các lực lượng dân phòng kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, các loại hình nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… để kịp thời phát hiện sơ hở, thiết sót nhằm hướng dẫn các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người và tài sản.

“Chúng tôi nỗ lực cùng người dân chuẩn bị các phương án, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tốt; tăng cường huấn luyện nghiệp vụ, sẵn sàng loại bỏ và ứng phó với các nguy cơ gây cháy, nổ để tất cả cùng đón Tết Canh Tý 2020 trong không khí vui tươi, an toàn”, Thượng tá Đỗ Văn Kháng cho biết.

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ dịp cuối năm