Nguồn gốc của phong tục lì xì xuất phát từ nhiều câu chuyện khác nhau, thể hiện sự phong phú, các cách lý giải sáng tạo nhằm lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc của ông cha ta. Tiền lì xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt, cho trẻ em dịp đầu Xuân. Vì lẽ đó, người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, hàng năm, cứ vào sáng mùng Một Tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.
Phong tục lì xì ngày Tết với nhiều ý nghĩa như vậy song nó đã có những biến đổi và sự chi phối khác nhau trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhiều người coi lì xì Tết của con mình hay chính của bản thân là một “nguồn thu hợp pháp” và đặt vào đó sự cân - đong - đo - đếm giá trị đồng tiền. Nhiều người đã biến chuyện lì xì thành văn hóa “phong bì” để mong thăng quan, tiến chức, để nhẹ nhàng trong quan hệ xã hội làm ăn. Chính thói thực dụng của người lớn đã vô tình lây sang con trẻ và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tục lì xì.
Sự hiện diện của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cùng với những xấp phong bao lì xì báo hiệu niềm vui của ngày Tết Nguyên đán đã về. Tục lì xì hay mừng tuổi được mọi người dân Việt Nam rất coi trọng bởi đó là nét đẹp truyền thống đáng được gìn giữ và lưu truyền. Do vậy, chúng ta cần hiểu đúng, thực hiện đúng thì việc lì xì đầu năm mới mang lại ý nghĩa tốt đẹp như đúng những gì ông cha ta đã mong ước.
Nguồn gốc của tục lệ lì xì đầu năm mới
Lì xì là một tên gọi của tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền lì xì.
Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa, xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.
Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy.
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh và hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Ý nghĩa phong tục lì xì ngày Tết
Lì xì đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt, cũng như nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới. Lì xì không chỉ giới hạn trong mùng Một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng Chín, mùng Mười của Tết.
Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì, xích mích, không vui trong ngày Tết. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người Châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người cho rằng người cho đi hay nhận được càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.
Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết.
Trước tiên con cháu sẽ chúc thọ và tặng cho ông bà, cha mẹ mình một món quà nhỏ. Sau đó, con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao lì xì đỏ, bên trong sẽ có một ít tiền đấy gọi là lấy hên, nhận may mắn và mang lại niềm vui cả năm cho mọi người trong những ngày đầu năm mới. Con cháu nhận được bao lì xì cũng như nhận được tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho.
Tương tự như vậy khi có khách đến chơi nhà vào những dịp Tết, nếu gia đình gia chủ có con nhỏ thì khách sẽ không quên mừng tuổi cho cháu của gia chủ kèm theo những lời chúc phúc, may mắn đầu năm, đồng thời gia chủ cũng gửi lại những lời chúc sức khỏe, may mắn phát đạt cho khách.
Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền mà là lòng mong ước cầu chúc cho các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn những người lớn tuổi thì có thật nhiều sức khỏe để có thể bên con cháu thật lâu.
Những điều ít biết về nét đẹp của việc dán kín bao lì xì
Theo người xưa, bao lì xì luôn được dán kín để không ai biết được trong đó bao nhiêu tiền. Theo quan điểm của phương Đông, bao lì xì không được để cho người khác biết số tiền trong đó, một mặt là thể hiện sự lịch sự; mặt khác là tránh những sự so bì giữa các đứa trẻ với nhau. Đây là một sự tinh tế mà đôi khi chúng ta không lưu tâm nên dễ dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười trong tục mừng tuổi đầu năm.
Nhưng hiện nay, quan niệm này dần không còn trong dân gian nữa bởi bao lì xì trở nên nhiều mẫu mã, đẹp mắt hơn phù hợp với thị hiếu của người hiện đại.
Tại sao người ta thường nuôi heo đất sau Tết?
Tuổi thơ ai cũng đã từng một lần nuôi heo đất, nhất là thời điểm sau Tết. Bởi vì, sau Tết các đứa trẻ thường có được rất nhiều tiền lì xì nên chúng được bố mẹ khuyên là cho vào heo đất nuôi để số tiền này được gìn giữ cẩn thận hơn và để dùng những lúc cần thiết. Nhưng ý nghĩa sâu xa của việc này là mong muốn giáo dục các đứa trẻ biết cách tiêu xài tiền hiệu quả, không phung phí.
Có phải chỉ trẻ con mới được nhận lì xì?
Tục lì xì nguyên thủy là dành cho những đứa trẻ với lời chúc sức khỏe và may mắn. Nhưng càng về sau, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng được con cháu lì xì coi như là một cách báo hiếu cha mẹ, ông bà. Tục lì xì mỗi nước Châu Á cũng có sự khác nhau, ví dụ như ở Nhật, tuổi càng cao thì được nhận lì xì càng nhiều.
Những điều cần tránh khi tặng và nhận lì xì ngày Tết
Chỉ dùng bao lì xì màu đỏ và vàng
Người xưa quan niệm bao lì xì phải là bao đỏ để ứng với sự tích bao lì xì. Bên cạnh đó bao lì xì màu đỏ còn là biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc đến nhà.
Tránh số 4
Nhiều người vẫn quan niệm rằng "điều tốt luôn đi đôi", do vậy, số chẵn là tượng trưng cho những con số tốt lành. Tiền đặt trong bao lì xì phải là số chẵn.
Những năm gần đây, thay vì lì xì theo những số chẵn 50.000 đồng, 100.000 đồng,... thì nhiều người hiện nay thích lì xì theo những con số may mắn. Chẳng hạn như số 6 có nghĩa là "Lộc" hoặc số 8 có nghĩa là "Phát" – làm ăn phát đạt; hay số 10 có nghĩa là hoàn hảo,....
Một vài con số khác như 168 có ý nghĩa là "Phát lộc phát tài"; 188 có số 8 tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc. Số 188 lặp lại số 8 hai lần ý bảo "Mau chóng phát lộc phát tài".
1001 là "độc nhất vô nhị", muốn bảo người nhận lì xì là duy nhất, không ai có thể thay thế.
Thế nhưng, số 4 dù cũng là số chẵn, nhưng tiền lì xì ngày Tết cần phải tránh số 4 như 40.000 đồng, 400.000 đồng. Bởi theo dân gian, số 4 là số không may mắn.
Không lì xì tiền cũ
Khi lì xì bạn cần phải dùng tiền mới bởi năm mới mọi người đều mong muốn những gì đã cũ thì trôi qua và tiếp nhận những gì mới mẻ. Bên cạnh đó tiền cũ đặt trong bao lì xì mang lại âm khí xấu. Chính vì thế mà dịp cuối năm mọi người thường đi đổi tiền mới là như vậy.
Không lì xì tiền lẻ
Để số tiền chẵn trong bao lì xì với hàm ý một năm đầy đủ, trọn vẹn. Tương tự khi bạn đi đám cưới, đám tiệc cũng sử dụng tiền chẵn. Có khi người ta còn chuẩn bị số tiền ứng với phát tài phát lộc như 168 ngàn, 188 ngàn.
Không nhận lì xì bằng một tay
Khi nhận lì xì dù là người lớn hay nhỏ hơn đều phải nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.
Không vòi thêm lì xì
Nhất là những đứa trẻ thường hay vòi thêm lì xì từ ông bà, cha mẹ, điều này là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.
Không mở bao lì xì trước mặt người tặng
Việc mở bao lì xì là việc rất riêng tư và khi mở bao lì xì trước mặt người tặng được xem như là hành động bất lịch sự, xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng của người tặng.
Mừng tuổi cho cha mẹ, người lớn tuổi: Cần chú ý số tiền mừng phải tăng theo từng năm, tăng ít hay tăng nhiều đều được, miễn là tăng. Bởi mừng tuổi cho cha mẹ, người lớn tuổi là chúc họ khỏe mạnh, sống lâu, viên mãn, vì vậy năm này cao hơn năm trước sẽ tốt hơn.
Mừng tuổi cho trẻ con, người kém tuổi, số tiền phải đồng nhất, không nên mừng hơn, mừng kém khác nhau. Điều này sẽ tránh được sự so sánh, bì tị của trẻ con, gây tranh cãi ngay đầu năm mới.
Số tiền mừng tuổi cho trẻ con nhất định không được lớn hơn tiền mừng tuổi cho cha mẹ, người lớn. Đây là sự tôn trọng, lễ phép.
Để tục lì xì không bị biến tướng
Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, tục mừng tuổi tuy không còn giữ nguyên như trước và đã có sự sáng tạo thêm dưới nhiều hình thức nhưng vẫn còn đó ý nghĩa vốn có là trao nhau những ước vọng tốt đẹp ngày đầu năm mới. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Nếu trước kia việc trao nhận tiền mừng tuổi chỉ bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết thì ngày nay, thời điểm trao nhận tiền mừng tuổi cũng đã có sự thay đổi, mở rộng thời gian cả về trước Tết và sau Tết cùng việc đến thăm, chúc Tết, tặng quà… Sự phát sinh này là do thay đổi nếp sống của cuộc sống hiện đại, khi cuộc sống vật chất đầy đủ thì người ta nghĩ đến hưởng thụ nhiều hơn, cũng như việc “ăn Tết” không chỉ còn gói gọn trong 3 ngày Tết".
Cũng không chỉ trẻ con mới được nhận tiền mừng tuổi từ người lớn, mà đối tượng trao nhận cũng mở rộng cho tất cả. Ngày đầu năm đến công sở, ai cũng hân hoan nhận những phong bao lì xì đỏ kèm những lời chúc tốt đẹp. Ăn theo sự sáng tạo đó là những chiếc vỏ bao lì xì giờ đây cũng được chú trọng hơn về hình thức. Những năm gần đây, ngoài những mẫu theo phong cách truyền thống, dù là in ấn hay đồ handmade thì trên thị trường cũng ngập tràn những chiếc phong bao lì xì bắt mắt bởi các cách trang trí đẹp, độc, lạ như: Làm theo hình chiếc bánh chưng, hình các con giáp của từng năm, in những câu chúc Tết dễ thương lên vỏ bao lì xì… Một số cơ quan, doanh nghiệp cũng tự làm bao lì xì có in logo đơn vị để tặng cho nhân viên, khách hàng, vừa là thể hiện sự trân trọng với người lao động, cũng là một cách truyền thông thương hiệu.
Ngoài ra, trong đời sống hiện đại, người ta còn lì xì nhau bằng sách, cây xanh hay đồng tiền cổ. Theo phong tục của người Việt, mừng tuổi chủ yếu mang tính tượng trưng. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Theo những ghi chép hơn 100 năm về tục Tết cụ Phan Kế Bính, mùng 1 Tết, con cái thường đến mừng tuổi ông bà, cha mẹ và lạy 2 lạy. Sau đó, họ mừng tuổi cho trẻ em. Đây là một phong tục nên khi mừng tuổi họ chọn những đồng xu, đồng hào, tiền đẹp nhất về mặt hình thức để đem cái tốt, đẹp cho người khác”.
Cùng với những thay đổi trong điều kiện sống, đời sống văn hóa tinh thần cũng có nhiều đổi mới. Do vậy, phong tục mừng tuổi cũng có những thay đổi, biến dạng. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Hiện nay, phong tục mừng tuổi có dẫn đến một hệ lụy là tình trạng đổi tiền lẻ, ăn 6, ăn 7, bị cắt giá. Có người đi đổi bằng được tiền 2 đô la, 20.000 đồng, 50.000 đồng nhưng cái đó chỉ là biến dị làm phong phú thêm, không phải tệ nạn. Nhưng, người ta đưa quà Tết, mượn phong tục mừng tuổi để hối lộ là biến tướng phong tục”.
Trong nhiều trường hợp, cuộc sống hiện đại đã làm tục mừng tuổi bị ảnh hưởng bởi sức nặng vật chất nhưng về cơ bản nó vẫn mang ý nghĩa tốt đẹp cần được lưu giữ. Để phong tục mừng tuổi ngày Tết giữ mãi những nét đẹp vốn có, không chỉ cần phải gìn giữ, lan tỏa văn hóa mừng tuổi từ trong gia đình, họ hàng đến bạn bè, đồng nghiệp ngoài xã hội mà hơn hết cần hướng trẻ em hiểu biết về phong tục đẹp này.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Có thể bắt đầu từ việc dạy đứa trẻ hiểu đúng về cách trao - nhận tiền mừng tuổi, dạy trẻ cách quản lý tiền mừng tuổi sao cho hợp lý. Đơn cử như việc dạy cho trẻ hiểu tiền mừng tuổi là một món quà tiết kiệm nho nhỏ, có thể bỏ ống, bỏ lợn, đến cuối năm mới phá ra. Hướng trẻ em vào việc sử dụng số tiền được mừng tuổi vào việc mua sách vở, đồ dùng học tập cho mình hoặc tặng bạn bè. Quan trọng nhất là dạy trẻ coi tục mừng tuổi chỉ như một sự tượng trưng cho lời chúc tốt đẹp đầu năm mới”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phong bao lì xì màu chỉ đơn giản là món quà may mắn đầu năm. Vì màu đỏ là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, tất cả đều chứa đựng trong chiếc phong bao lì xì. Đặc biệt, việc dùng bao lì xì còn thể hiện sự kín đáo nhã nhặn bởi tiền mừng tuổi chỉ là tiền may mắn không quan trọng số lượng.