MTCS - Giữa thành cổ Sơn Tây, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi với xóm thôn yên bình, khang trang, không khí trong lành. Con người nơi đây vốn cần cù, chịu thương chịu khó cùng nghề làm bánh tẻ truyền thống tạo nên thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi ngon nức tiếng khắp vùng.
Phú Nhi là một làng cổ nằm ven sông Hồng, thuộc địa phận phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Trở lại nơi đây vào những ngày cuối năm, du khách có thể cảm nhận từ xa hương thơm của bánh tẻ, lá chuối. Ngôi làng với 32 hộ làm nghề, bếp luôn “đỏ lửa” hàng ngày để cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon, đảm bảo chất lượng.
Thứ quà quê dân dã ngon nức tiếng
Ngày nay, người dân trong làng không còn ai nhớ nghề này xuất hiện từ bao giờ mà chỉ biết đã có từ hàng trăm năm nay. Các thế hệ cha ông đi trước vẫn hàng ngày truyền lại nghề cho thế hệ sau. Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, nghề làm bánh tẻ ngày càng phát triển, có sự thay đổi đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo người dân Phú Nhi, bánh tẻ có từ lâu đời. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Bánh tẻ Phú Nhi được nhắc đến từ khi khánh thành ngôi đình làng Phú Nhi (năm 1802 - niên hiệu Gia Long nguyên niên), nhân dân làm bánh dâng cúng Thành Hoàng làng. Đây là loại bánh được đánh giá là một lễ vật rất đơn sơ, giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống thường ngày của nhân dân và dần trở thành một món ăn, một tặng phẩm không thể thiếu trong các dịp giỗ - Tết - lễ hội truyền thống của quê hương Phú Nhi.
Người dân Phú Nhi hiện nay vẫn lưu truyền câu chuyện về một tình yêu đẹp và giản dị được cho là nguồn gốc, lịch sử về làng nghề bánh tẻ Phú Nhi. Tên gọi “Phú Nhi” được ghép từ tên của chàng trai là Nguyễn Phú và cô gái là Hoàng Nhi trong chuyện tình ấy. Rằng: Nguyễn Phú là người làng Giáp Đoài, con của bà Trọng làm nghề bán trầu vỏ, bố là nông dân. Bản thân Phú là người rất chăm chỉ, hiền lành, chất phác, tư chất thông minh. Phú thường theo mẹ ra chợ để phụ giúp mẹ bán trầu vỏ. Hoàng Nhi là con gái của bà Hương, cũng hay theo mẹ ra chợ để bán bánh đúc. Nhân duyên đến với 2 người khi họ gặp nhau qua các lần theo mẹ ra chợ. Lâu ngày, họ nảy sinh tình cảm và cứ vậy thêm thắm nồng. Một ngày, Phú sang nhà Nhi chơi. Họ cùng nhau trò chuyện, tâm đầu ý hợp nên Nhi đã quên nồi bánh đúc đang phụ mẹ nấu dở. Hỏng nồi bánh, bố của Hoàng Nhi không bằng lòng, ông đã nghiêm khắc ngăn cản tình yêu đôi lứa. Ông cấm Nhi theo mẹ ra chợ. Nhi không còn cơ hội để gặp Phú. Lâu ngày, nỗi nhớ thương trần đầy, khiến cho Nhi lâm bệnh và qua đời. Về phần Phú, khi nồi bánh đúc hỏng, liền mang về nhà. Nhìn nồi bánh đúc, Phú cảm thấy rất tiếc của nên ra vườn hái lá dong và chuối khô, lau sạch rồi lấy hành làm nhân. Phú quết bột lên lá dong có lót lá chuối khô bên ngoài, cho nhân hành vào rồi cuốn lại, lấy dây giang buộc và đem đun. Khi bánh chín, Phú bỏ bánh ra, để nguội và bóc thì thấy có mùi thơm và ăn ngon. Từ đó, Phú làm ra những mẻ bánh cùng mẹ mang ra chợ bán. Bánh bán được nhiều mỗi ngày, Phú càng thêm nhớ Nhi. Mỗi năm đến ngày giỗ Nhi, Phú đều làm bánh gửi cúng cho Nhi. Phú không lấy vợ, chăm nom phát triển việc làm bánh và truyền lại công thức cho nhân dân địa phương. Từ đó, nhân dân gọi loại bánh do Phú làm là bánh tẻ và ghép tên của Phú và Nhi, lấy tên cho loại bánh đó là bánh tẻ Phú Nhi.
Mang bánh tẻ Phú Nhi từ xứ Đoài đi khắp muôn phương
Tại thị xã Sơn Tây, trước kia các gia đình chỉ làm số lượng ít để phục vụ người thân, họ hàng vào các dịp lễ Tết. 3 - 4 hộ khác làm bán để phục vụ nhu cầu ăn sáng cho người dân quanh vùng. Đến nay, giao thông thuận lợi hơn, bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) trở thành món đặc sản được nhiều người ở các tỉnh/thành trên cả nước biết đến và ưa chuộng. Vì thế mà hầu hết các hộ trong làng chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Có những gia đình sản xuất trung bình ngày thường từ 500 - 1.000 chiếc bánh nhưng dịp cận Tết cổ truyền khoảng 4.000 - 5.000 chiếc mỗi ngày. Trong những gia đình đó có thể kể đến nhà bà Phạm Thị Bình ở thôn Phú Nhi 3, gia đình duy nhất trong thôn được UBND TP. Hà Nội cấp chứng nhận OCOP. Các gia đình làm bánh tẻ lâu năm đã coi đây là nghề chính nên thường đầu tư khá nhiều vào thiết bị, vật tư. So với nghề nông nghiệp, làm bánh tẻ vất vả hơn do phải thức khuya, dậy sớm, nhưng cho thu nhập khá hơn mà lại ổn định.
Bà Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình chia sẻ, gia đình bà có 3 thế hệ làm bánh tẻ, nghề vất vả nhưng đong đầy niềm vui khi người dân sống được với nghề, có thu nhập và hơn thế nữa là những chiếc bánh tẻ mang thương hiệu của làng nghề Phú Nhi đã đến được với người tiêu dùng khắp Việt Nam.
Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Đây cũng là Làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Đó chính là niềm tự hào của người dân xứ Đoài khi đã gìn giữ và phát triển đặc sản của quê hương thành sản phẩm làng nghề bán được trên thị trường. Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu “Bánh tẻ Phú Nhi”. Đó là một triển vọng và cơ hội để những người dân trong làng có thể tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Tại nhiều cuộc thi ở Hội chợ các sản phẩm làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội, bánh tẻ Phú Nhi cũng đã được trao tặng Huy chương vàng. Điều này khẳng định nét đẹp văn hóa và thế mạnh của nghề làm bánh tẻ nơi đây.
Hiện nay, bánh tẻ Phú Nhi được làm hàng ngày, các hộ dân trong làng đã năng động mở rộng thị trường phân phối bánh tẻ đi khắp Hà Nội, tham gia các lễ hội ẩm thực của Thủ đô. Ngoài ra, bánh tẻ còn được bán online cho khách hàng khắp nơi, bánh tẻ cũng là món quà quê tại các điểm du lịch của Đường Lâm như chùa Mía, đình Mông Phụ, đền Và...
Ông Nguyễn Đắc Điệp, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây cho biết, địa phương cũng tập trung phát triển làng nghề. Đến nay toàn phường có 32 hộ làm nghề gồm cả sản xuất và tiêu thụ. Có hộ một ngày tiêu thụ cả nghìn chiếc đến nhiều địa phương trong và ngoài thành phố. Làng nghề thu hút được lao động tại chỗ, gồm cả những lao động lớn tuổi và trẻ tuổi. Mỗi hộ sản xuất bánh tẻ cần 2-3 nhân công bên ngoài với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu/lao động/tháng.
Cùng với đó, các hộ cũng được tập huấn về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; các hộ làm bánh tẻ phải khám sức khỏe định kỳ, phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do địa phương chứng nhận.
Mới đây, phường Phú Thịnh cũng đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 100 người là các hộ sản xuất, chế biến bánh, tiêu thụ, bán hàng tạp hóa, làm tại các lò giết mổ, đảm bảo sức khỏe cho người dân và khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, trạm y tế phường cũng thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ làm nghề từ khâu lựa chọn nguyên liệu như gạo, thịt, mộc nhĩ… Tất cả đều phải là sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ. Đến khâu chế biến như ngâm gạo phải đảm bảo nồng độ… đó là yêu cầu hàng đầu.Bánh sản xuất không sử dụng chất bảo quản nên thời gian sử dụng ngắn. Do vậy, khi có đơn đặt hàng thì các hộ mới sản xuất, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh nhấn mạnh.
Nói về kế hoạch phát triển làng nghề bánh tẻ của địa phương trong thời gian tới, ông Điệp chia sẻ, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phường Phú Thịnh đã có kế hoạch thành lập Hội. Phường đang xin ý kiến của thị xã Sơn Tây làm biển lớn về làng nghề, có nơi để quảng bá, trưng bày sản phẩm. Sau đó tiến tới quyết định thành lập tổ, hợp tác xã chuyên sản xuất bánh tẻ để sản xuất theo quy trình, các bước, để đưa thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi đến đông đảo với thực khách xa gần.
Vào các ngày lễ, Tết thì bánh tẻ được các hộ gia đình làm nhiều hơn để thành tâm thắp hương nhớ về tổ tiên của gia đình mình.