Ngày 21/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ KH&CN vừa công bố Tiêu chuẩn Quốc gia dành cho bánh trung thu, bao gồm bánh nướng, bánh dẻo.
Theo đó, Bộ KH&CN đã công bố TCVN 12940:2020 đối với Bánh nướng và TCVN 12941:2020 đối với Bánh dẻo. Tiêu chuẩn này do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn của Bộ biên soạn. Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Các chỉ tiêu này đã được Ban soạn thảo tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Bánh trung thu đã có tiêu chuẩn riêng
Đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo. Các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Vì thế, các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.
Cũng theo Bộ KH&CN, đối tượng áp dụng tiêu chuẩn bánh trung thu bao gồm: Các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ra đời của tiêu chuẩn quốc gia đối với bánh trung thu sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong hoạt động quản lý, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng mỗi khi đến dịp Tết Trung thu.
Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng bánh trung thu là điều kiện tiên quyết để các công ty, cơ sở sản xuất bánh Trung thu bảo đảm an toàn chất lượng cho sản phẩm khi sản xuất bánh trong mùa Trung thu. Quy trình này đã có từ lâu nhưng vì thiếu tiêu chuẩn cụ thể nên bánh Trung thu lại được quản lý theo tiêu chuẩn của các dòng bánh khô (bánh quy).
Trước đây, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, nên việc quản lý chất lượng được vận dụng từ các văn bản của các bộ chuyên ngành.
Mai Anh