Sạt lở đất cắt ngang tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, đoạn qua Yên Bái
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh của người dân và tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của cả nước.
Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đến tháng 12/2017, cả nước có 325 người tử vong, 61 người mất tích, 664 người bị thương vì mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất. Ngoài ra, 8.126 nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn và hơn 561.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái… Tổng thiệt hại về kinh tế trên 60.000 tỷ đồng.
Các đợt mưa lớn gây lũ lụt hết sức nghiêm trọng, điển hình như trận lũ lịch sử năm 1999 trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung làm 900 người tử vong, mất tích, gây mất mùa và để lại hậu quả nặng nề; trận lũ lớn năm 2000 tương đương mức lũ lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long làm 565 người tử vong (trong đó có trên 300 trẻ em), hơn 263.000 ha lúa bị hư hỏng…Riêng năm 2017, là năm có tổng lượng mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 20 đến 40%.
Nước dâng ở huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh)
Còn đối với các tỉnh miền núi, trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng năm 2017, lũ quét, sạt lở đất trong năm đã làm 71 người tử vong và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Hiện nay vẫn còn 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.
Thiên tai, bão lũ đang là thách thức nghiêm trọng đối với nước ta, nếu không ứng phó hiệu quả với mối nguy này thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.
Để ứng phó với tình trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách, không thể trì hoãn với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý phê duyệt khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm.
Yến Anh (T/h)