Thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ

Phúc An|06/07/2024 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đợt mưa lớn từ ngày 2 – 4/7 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về nhà ở, tài sản, đường giao thông, thủy lợi và sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh miền núi Bắc Bộ.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn đi kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh, lũ, ngập lụt, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất và cơ sở vật chất tại các tỉnh trên. Đáng mừng là không có thiệt hại về người, 1 người bị thương do sét đánh tại Thái Nguyên.

sat-lo.jpg
Ảnh minh họa

Tại tỉnh Hà Giang - tâm mưa của đợt mưa lớn vừa qua, mưa lớn tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì đã làm 31 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn; 29 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá và bị ngập úng, nhiều nhất là tại huyện Vị Xuyên. Mưa lớn cũng làm hơn 565 ha cây trồng bị ảnh hưởng, 18ha ao nuôi cá và nhiều vật nuôi của nhân dân bị thiệt hại.

Tại Hoàng Su Phì, cơ quan chức năng xác định tổng số 51 vị trí trên các tuyến đường bị ảnh hưởng, sạt lở với khối lượng đất đá khoảng hơn 6 nghìn m3. Tại Bắc Quang và Vị Xuyên xảy ra sạt taluy dương tại một số tuyến đường tỉnh lộ gây ách tắc giao thông, khối lượng sạt lở trên 2.000m3. Tại Bắc Mê, một số tuyến đường liên xã bị sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông, khối lượng đất đá sạt lở ước khoảng 1.100m3. Tại Đồng Văn có 3 tuyến đường bị sạt lở với khối lượng khoảng 3.000m3.

Ngoài ra, mưa lớn còn làm 1 cầu cứng bị hư hỏng tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Nhiều tuyến đường liên huyện, xã, thôn tại thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Vị Xuyên bị ngập úng cục bộ; 1 công trình kè đường giao thông, 1 cầu tràn tại huyện Hoàng Su Phì bị sạt, hư hỏng; 1 trạm Y tế tại huyện Bắc Quang xã bị đổ tường bao; 1 công trình thủy lợi tại huyện Vị Xuyên bị hư hỏng; 1 nhà lưu trú tại Trạm y tế huyện Mèo Vạc bị hư hỏng trên 90%.

Hiện tại, các địa phương của tỉnh Hà Giang đang tiếp tục triển khai công tác ứng phó, khắc phục; rà soát và thống kê thiệt hại. Lãnh đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương các thành viên đang trực tiếp xuống các điểm bị ảnh hưởng bởi thiên tai nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục.

Tại các địa phương khác, thiệt hại về sản xuất chủ yếu do mưa lũ làm gãy đổ và ngập úng các diện tích hoa màu và cây lâm nghiệp. 1 điểm trường bị tốc mái ở Thái Nguyên và 1 điểm trường mầm non bị sạt ta luy dương ở Bắc Kạn. Nhiều tuyến đường giao thông, bờ kênh mương bị sạt lở. Ngay sau khi thiên tai, chính quyền địa phương đã thăm hỏi gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai và tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 2/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với đợt mưa lớn. Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh. Hiện nay, thủy điện Hòa Bình và thủy điện Tuyên Quang đều đang mở 1 cửa xả lũ. Các tỉnh, thành phố hạ du tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ