Thú chơi ngày Tết tao nhã của người Tràng An

An An|17/02/2018 01:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Nhất cao là núi Ba Vì

Nhất thanh, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”.

Người Tràng An có nét đẹp đặc trưng, tinh tế, thanh lịch trong giao tiếp, trang phục… Đặc biệt, trong những ngày Tết cổ truyền, người Tràng An cũng có những thú chơi Tết tao nhã riêng đầy ấn tượng như chơi Tranh Kim Hoàng hay hoa Thủy Tiên hay hoa Đào.

Thú chơi hoa thủy tiên trong những ngày Tết của người Tràng An là một nét văn đẹp cần được gìn giữ

Tranh Kim Hoàng

Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).

Tranh của làng Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời như tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ; màu sắc lại tươi sáng nên người Tràng An đã lựa chọn dòng tranh này để thờ dịp Tết. Tranh Kim Hoàng in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Tranh Kim Hoàng dùng mực tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên.

Đề tài của tranh Kim Hoàng là những gì quen thuộc của cuộc sống mộc mạc đơn sơ của người nông dân, đời sống làng quê, cảnh ngày Tết… Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt đó là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Những bức tranh tuyệt mỹ của dòng tranh này đã góp phần tạo nên một thú chơi tranh tao nhã của người dân Thăng Long – Hà Nội. Thú chơi tranh ngày Tết đã trở thành một lễ nghi, một nghệ thuật tâm linh, một món ăn tinh thần mang sắc vị thiêng liêng của mỗi gia đình người Tràng An trong những ngày Tết cổ truyền.

Hoa Thủy Tiên

Người Tràng An có thú chơi ngày Tết tao nhã là trồng bình thủy tiên để đêm giao thừa, khi cả gia đình quây quần, xum họp chờ đón khoảnh khắc bông thủy tiên nở.

Hoa thủy tiên hay còn được gọi là “Nàng tiên nước” khó tính mang vẻ đẹp kiêu sa mà thuần khiết. Bình hoa sạch sẽ, trắng tinh, được người chơi nuôi dưỡng bằng nước mưa, để tỏ lòng hiếu kính, dâng lên tổ tiên ngày Tết.

Để lựa được một bình hoa thủy tiên đẹp đón Tết phải là một người sành chơi hoa mới có thể làm được vì rất kỳ công đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo. Thủy tiên cũng là một loài hoa cầu kì trong cách chơi và cách chăm sóc. Kĩ thuật cao cùng các yêu cầu khắt khe trong quá trình chăm sóc hoa.

Loài hoa Thủy Tiên mang đến may mắn, tài lộc và an lành. Người Tràng An cho rằng, có một bình hoa nở đúng giao thừa thì năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình. Chơi hoa Thủy tiên là thú chơi tao nhã của người Tràng An trong dịp Tết, nét đẹp văn hóa này cần được gìn giữ.

Hoa Đào

Hoa đào là một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết trong mỗi gia đình ở miền Bắc, đặc biệt, trong mỗi gia đình người Tràng An.

Người Tràng An nổi tiếng thanh lịch, tao nhã nên trong cách chọn đào cũng có những yêu cầu đặc biệt riêng. Người dân Hà Thành rất ưa chuộng thứ hoa đào thắm sắc, cánh hoa kép, dày; trên cành hoa phải đủ lá, hoa, nụ và quả non.

Thú chơi hoa đào ngày Tết là một nét đẹp tinh thần đáng quý trong đời sống văn hóa của người Tràng An.

Cùng với cây nêu, bánh chưng, đôi hàng câu đối đỏ, những cành đào thắm sắc, bình hoa thủy tiên và tranh Kim Hoàng luôn là một biểu tượng đặc biệt cho mùa xuân, cho Tết Nguyên Đán trong lòng mỗi người dân Hà Thành.

An An


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thú chơi ngày Tết tao nhã của người Tràng An
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.