Bám sát Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực mỏ vàng Bồng Miêu có diện tích khoảng 360 ha do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu quản lý, khai thác từ năm 1992. Đến tháng 3/2016, giấy phép khai thác mỏ này đã hết hạn, nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường để bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy định.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã thống nhất bố trí hơn 12 tỷ từ ngân sách địa phương để bổ sung cùng với số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu nộp là hơn 6 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Trong thời gian chờ phê duyệt Đề án, tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho địa phương trong công tác chốt giữ, kiểm tra, truy quét, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, đất đai tại khu vực này.
Mỏ vàng Bồng Miêu
Ngày 15/3/2022, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 488/QĐ-BTNMT phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Trong đó, Bộ TN&MT giao UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đấu thầu chọn đơn vị thi công thực hiện Đề án, thực hiện chuyển kinh phí ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty tại Kho bạc Nhà nước huyện Phú Ninh vào thu ngân sách địa phương để thực hiện Đề án, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí và phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ngay sau đó, ngày 28/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 806/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá cao sự chủ động, khẩn trương và quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Nam trong thực hiện Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa bàn. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Nam bám sát nội dung của Đề án để thực hiện sao cho có hiệu quả nhất. Đối với khu vực khai thác hết rồi thì tiến hành cải tạo, trồng rừng. Riêng với khu vực quặng thải đuôi, theo quy định thì có thể tận thu, do đó, địa phương có thể đấu giá hoặc lựa chọn đơn vị có năng lực để khai thác toàn bộ.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị nên có phương pháp lựa chọn một đơn vị đáp ứng các yêu cầu, đề xuất để được quyền tiếp cận xin cấp phép thăm dò khai thác, giải quyết triệt để những tồn tại.
“Địa phương có thể áp dụng nhiều phương án, xây bịt kiên cố để sau này đóng cửa mỏ xong, sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác. Đơn vị được lựa chọn khai thác vàng phải có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nghĩa vụ ngân sách với địa phương….” – Thứ trưởng nhấn mạnh.\
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Cần có nguồn dự trữ cát trắng cho tương lai
Liên quan đến tài nguyên khoáng sản cát trắng trên địa bàn, theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 10 loại khoáng sản. Trong đó, có 1 khu vực thuộc phạm vi ranh giới liên quan đến tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng là khu vực dự trữ cát trắng tại phụ lục có số thứ tự IX.2, diện tích 1.354km2 (135.400 ha), trong đó phần diện tích thuộc Quảng Nam là 1.043km2, tài nguyên phỏng đoán 250 triệu tấn trải dài trên địa bàn vùng Đông các huyện, thị xã, TP: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.
Tuy nhiên, thực tế khu vực khoanh định dữ trữ khoáng sản cát trắng nói trên hiện nay đa số nằm trong khu vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai theo Quyết định số 1737 năm 2018.
Ngoài ra, phần diện tích còn lại nằm trên địa bàn vùng Đông các huyện, thị xã như Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn hiện nay đã quy hoạch và đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, dự án du lịch – dịch vụ và khu, cụm công nghiệp.
Vũ Thành