Thủ tướng Phạm Minh Chính: Áp dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật

Phong Anh|29/12/2024 20:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật.

Chiều 29/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Trưởng ban Thường trực; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Bộ trưởng, Thủ trưởng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Ban Chỉ đạo.

29-pmc1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh TTXVN

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; đặc biệt rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tố chức, bộ máy; trao đổi, thảo luận về một số vấn đề khác liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu, rà soát lại các chế độ chính sách và phải tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian qua.

Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật.

Đối với kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy Thủ tướng yêu cầu, nhanh chóng ban hành văn bản trong việc tinh gọn bộ máy, không để gián đoạn trong lúc kiện toàn bộ máy; Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu ban hành các văn bản để sửa các văn bản đã ban hành làm sao bao phủ được phạm vi điều chỉnh trên cơ sở có tính nguyên tắc cơ bản để giải quyết công việc trước mắt.

Các bộ, cơ quan cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ rà soát, Bộ Tư pháp tổng hợp, lựa chọn các chủ đề trọng tâm, cấp bách để xử lý, nhất là những vấn đề trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung; các quy định có tính chất hạn chế quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thành “rào cản”, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

29-pmc.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh TTXVN

Trong xây dựng luật pháp, tinh thần là những gì cần cấm thì đưa vào luật, cái gì không cần cấm thì tạo cơ hội cho người dân doanh nghiệp làm, sáng tạo. Phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản". Quán triệt tư duy ai làm tốt nhất thì giao, cái gì doanh nghiệp, người dân làm tốt hơn thì để người dân, doanh nghiệp làm, nhà nước chỉ làm cơ chế chính sách, thiết kế công cụ kiểm tra giám sát.

Thủ tướng yêu cầu, tăng cường phân cấp, giao quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, và tăng cường kiểm tra giám sát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trong quá trình phân công thì phải "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả".

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tập trung rà soát văn bản để khơi thông mọi nguồn lực, ưu tiên cho tăng trưởng như Nghị định hỗ trợ đầu tư phải có trước ngày 31/12/2025.

Bài liên quan
  • Thủ tướng: Ai làm tốt nhất thì giao, lựa chọn phương án thấu đáo, phù hợp, hiệu quả
    Chủ trì phiên họp thứ sáu Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ lưỡng trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, bảo đảm không bỏ sót, không trùng chéo và hoàn thiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, tăng cường cho cơ sở, ai làm tốt nhất thì giao, lựa chọn phương án thấu đáo, phù hợp, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Áp dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.