Thủ tướng Phạm Minh Chính: ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là "sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn"

Lam Trinh |24/10/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong phần thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thủ tướng nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là "sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn".

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Cần các dự án lớn mang tính căn cơ trị giá hàng tỷ USD

24-qh-ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian chia sẻ về nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là "sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn".

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.

Phản hồi đề xuất, kiến nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) về hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với những tác động tiêu cực từ hạn mặn, sụt lún đang diễn ra ngày càng khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với ĐBSCL, Chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương thực hiện phòng, chống sạt lở khu vực ĐBSCL.

“Nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần các dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỷ USD”, người đứng đầu Chính phủ thông tin.

Cũng liên quan đến ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng thời là ĐBQH TP Cần Thơ, nhấn mạnh, trước mắt cần khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn. Bên cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu cực đoan, Việt Nam phải góp phần cùng thế giới ngăn sự nóng lên của Trái Đất, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Việt Nam nằm ở khu vực hạ lưu, chịu ảnh hưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực từ việc biến đổi dòng chảy sông Mê Công. Vấn đề này chúng ta đã thấy từ năm 1990 và khi đó đã đề xuất các nước kiểm soát việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Công và Lan Thương. Các nước đều đã thể hiện trách nhiệm, nhưng cần nỗ lực hợp tác hơn mới giải quyết được", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng cho biết, trong chuyến công tác Ả-rập Xê-út vừa qua đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines và Tổng thống Indonesia để bàn về hợp tác xuất khẩu gạo. Định hướng sắp tới sẽ theo hướng "sản xuất xanh tiêu thụ xanh". Vì vậy, cần có quy hoạch và những dự án lớn để xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ.

Khẳng định một lần nữa vấn đề sạt lở, sụt lún ĐBSCL cần có những dự án lớn về lâu dài nên phải tính đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực. Tuy nhiên, khi vay vốn thực hiện các dự án, thủ tục cần đơn giản, thông thoáng, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực.

“Các dự án cần tập trung giải quyết 4 vấn đề lớn: chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán. Nếu đã đi vay, phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay", Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị đoàn ĐBQH giám sát đầu ra để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, ĐBSCL cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng giao thông. Ngoài khai thác tối đa nguồn lợi từ đường thủy, ngành GTVT cần tập trung xây dựng các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL theo cả trục Bắc - Nam và Đông - Tây; quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như sân bay Cà Mau.

"Mặc dù còn khó khăn vẫn cần nâng cấp để thay đổi diện mạo địa phương. Như với Cà Mau, cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì rất khó phát triển", Thủ tướng nhìn nhận. Theo Thủ tướng, chỉ cần quyết tâm là làm được, vấn đề là huy động nguồn lực, làm có trọng tâm trọng điểm và làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Về lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai.

"ĐBSCL có nhiều việc cần làm, nhưng cả trước mắt và lâu dài là khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nếu đã đi vay phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế

24-qh-pmc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các dự án cần tập trung giải quyết 4 vấn đề lớn: chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán. Nếu đã đi vay, phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay

Theo người đứng đầu Chính phủ, sạt lở ĐBSCL là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn sự tác động tiêu cực đến ĐBSCL.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Với những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

"Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún. Thay vì dàn trải thì chúng ta làm những vấn đề lớn như chống sụt lún, sạt lở, ngập mặn, biến đổi khí hậu", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và lưu ý phải có tư duy, phương thức, cách tiếp cận mới để vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có giải pháp căn cơ lâu dài.

Thủ tướng cho biết thêm, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.

Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề lớn khác, như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. Nhấn mạnh thuận lợi của khu vực ĐBSCL là sông nước mà đã gắn với sông nước thì phải có cầu, cảng, Thủ tướng lưu ý trong phát triển hạ tầng giao thông, với vùng ĐBSCL có thể tận dụng, khai thác từ dòng sông, song phải là khai thác bền vững.

Cũng theo Thủ tướng, để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, việc của Trung ương là kết nối vùng, kết nối tỉnh nhưng các địa phương phải nỗ lực, dành nguồn lực để kết nối trong tỉnh, huyện.

Dẫn ví dụ từ bài học quyết tâm làm sân bay của Điện Biên để nói về phát triển hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, địa phương phải quyết tâm làm, bỏ tiền ra và tập trung làm, không ỷ lại Trung ương. Trung ương cũng không bỏ rơi địa phương. Địa phương bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, Trung ương bỏ tiền ra làm đường bay, sân đỗ, nhà ga. Có như vậy mới có sân bay Điện Biên. Trung ương và địa phương cùng làm.

"Ta biết tháo gỡ thì ta có nguồn lực, nếu chỉ địa phương hay chỉ Trung ương thì cũng không làm được mà phải có hợp tác, vẫn cần BOT, BT để phát triển hạ tầng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Toàn văn Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
    Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề đó là "sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn"