Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Thủ tướng Modi; một lần nữa chúc mừng Thủ tướng Ấn Độ về thành tựu lịch sử phóng thành công Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 lên Mặt trăng và Tàu thăm dò Mặt trời Aditya-L1, cũng như những thành tựu gần đây về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ và việc Ấn Độ đang đảm nhiệm thành công cương vị chủ nhà G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO).
Hai Thủ tướng tái khẳng định mối quan hệ đối tác truyền thống, bạn bè gần gũi và thân thiết giữa hai nước và cùng chia sẻ lợi ích chiến lược tương đồng; đánh giá cao những bước phát triển tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả của quan hệ Việt Nam và Ấn Độ; nhất trí cho rằng, trên nền tảng quan hệ truyền thống lâu đời và tin cậy chính trị cao, hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và giao Bộ Ngoại giao hai nước tích cực phối hợp, thu xếp các chuyến thăm cấp cao trong thời gian tới; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững, mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước. Hai Thủ tướng nhất trí củng cố hợp tác an ninh-quốc phòng, lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn gặp khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, hai nhà lãnh đạo nhất trí giao các bộ, ngành và địa phương hai nước hợp tác chặt chẽ nhằm bổ sung thế mạnh của mỗi nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không áp dụng các rào cản thương mại và biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm của nhau, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cơ quan hàng không hai nước nghiên cứu mở rộng cấp phép cho các hãng hàng không của nhau tăng tần suất khai thác các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thủ tướng Narendra Modi ghi nhận đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ký Bản ghi nhớ về thương mại điện tử, Thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại đối với sản phẩm của nhau; khẳng định khuyến khích các tập đoàn lớn của Ấn Độ tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Cũng trong sáng ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Ba nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình thế giới, các xu thế lớn về hoà bình, hợp tác và phát triển; các diễn biến gần đây ở khu vực. Ba nhà lãnh đạo chia sẻ nhận định kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn; cạnh tranh chiến lược nước lớn diễn biến phức tạp; các điểm nóng khu vực, vấn đề sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa dân túy… đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, đóng góp vào các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Tổng thống Marcos Jr. Tổng thống Marcos bày tỏ vui mừng sẽ sớm sang thăm Việt Nam, gặp gỡ các Lãnh đạo Việt Nam để tăng cường quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines bày tỏ vui mừng trước đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Philippines trên mọi lĩnh vực, khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng cần phát huy hơn nữa tính kết nối và bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế; chú trọng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dầu khí…; nghiên cứu mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo…
Hai nhà lãnh đạo ủng hộ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực và lao động nhằm hỗ trợ phát triển nền kinh tế tri thức của hai nước. Hai bên cũng nhất trí sớm trao đổi và ký kết một Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác thương mại gạo để cùng nhau bảo đảm các mục tiêu về an ninh lương thực trước những biến động phức tạp của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu thời gian qua.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến về thúc đẩy hợp tác và phối hợp chặt chẽ về các vấn đề trên biển. Tổng thống Philippines khẳng định sẽ tiếp tục đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt giữ trên tinh thần hữu nghị và Đối tác Chiến lược, cũng như sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu.