Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Toà trọng tài thường trực tại Hà Lan

Hà My|12/12/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhân chuyến thăm chính thức Hà Lan, chiều tối ngày 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tiến sĩ Marcin Czepelak, Tổng Thư ký Toà trọng tài thường trực (PCA) tại Cung điện Hoà Bình, Thủ đô La Hay.

toa-trong-tai-thuong-truc-1.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Toà trọng tài thường trực (PCA) Tiến sĩ Marcin Czepelak. 

Đến thăm Trụ sở chính của Toà trọng tài thường trực (PCA) - tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, tại Cung điện Hoà Bình, Thủ đô La Hay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Tòa Trọng tài PCA và gặp lại Tiến sĩ Czepelak sau chuyến thăm của Tổng thư ký đến Hà Nội cách đây không lâu. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài, hòa giải quốc tế; nhấn mạnh sự hiện diện của PCA tại Hà Nội thông qua Văn phòng đại diện là bước đi có ý nghĩa, thể hiện thông điệp của Việt Nam về ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

Tổng Thư ký Marcin Czepelak cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian đến thăm và làm việc với PCA tại Cung điện Hoà bình cũng như cảm ơn sự đón tiếp thân tình của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua. Tổng Thư ký bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, khẳng định tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”; đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế, với tinh thần tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh chấp quốc tế với các đối tác nước ngoài tại các cơ quan trung gian, hoà giải và trọng tài quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Thủ tướng đề nghị PCA thông qua Văn phòng đại diện tại Hà Nôi sẽ tích cực hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam về kinh nghiệm ứng xử với các vấn đề về lãnh thổ, kinh tế, thương mại…; đồng thời đề nghị PCA tạo điều kiện tiếp nhận người Việt Nam vào làm việc tại PCA.

Tổng Thư ký Marcin Czepelak cảm ơn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ PCA mở Văn phòng PCA tại Hà Nội, thể hiện sự tin tưởng của Việt Nam đối với PCA. Tổng thư ký khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực; khẳng định PCA đang tuyển dụng chuyên gia Việt Nam cho hoạt động của Văn phòng PCA tại Việt Nam.

toa-trong-tai-thuong-truc.png
Tổng Thư ký Marcin Czepelak cảm ơn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ PCA mở Văn phòng PCA tại Hà Nội.

Toà trọng tài thường trực (PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư. PCA đã hỗ trợ giải quyết hơn 200 tranh chấp quốc tế trên các lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, phân định biển, kinh tế - đầu tư; trong đó hơn 40% số vụ việc do PCA thụ lý hiện nay liên quan đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. PCA hiện có trụ sở chính tại Cung điện Hòa Bình, Thủ đô La Hay của Hà Lan và 5 văn phòng tại Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, Vienna (Áo) và Hà Nội.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan theo lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan.

Tại đây, Thủ tướng đã nghe giới thiệu về BIC, khu công nghệ cao và đổi mới sáng tạo lớn nhất châu Âu, nơi được coi là thung lũng Silicon của châu lục này; cũng như về tỉnh Bắc Brabant, một trong ba tỉnh có nền công nghiệp phát triển nhất Hà Lan, trong đó, thành phố Eindhoven được coi là thành phố thông minh và trung tâm công nghệ lớn của châu Âu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế, nghiên cứu và giáo dục đại học lớn nhất của Hà Lan.

Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã nghe phía Hà Lan chia sẻ về bài học kinh nghiệm để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đồng thời, đề xuất những giải pháp để tăng cường hoạt động hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước trong thời gian tới, cùng nhau tạo cơ hội mới, giá trị mới và động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Phó Thống đốc tỉnh Bắc Brabant, ông Martijn van Gruijthuijsen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng biến đổi khí hậu, với vai trò của sự hợp tác ba nhà (Triple Helix): giữa doanh nghiệp, viện - trường và chính phủ.

Ông Martijn van Gruijthuijsen cho biết: "Chúng tôi không thể làm điều đó một mình. Đổi mới đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Một mình bạn có thể đi nhanh hơn, nhưng cùng nhau chúng ta có thể tiến xa hơn. Chúng tôi luôn hướng ra ngoài biên giới khu vực của mình, tới các đối tác tiềm năng ở Châu Âu và ngoài Châu Âu".

Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Ông Martijn khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia được Hà Lan quan tâm nhất, vì Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và hai bên cùng có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác thành công.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, cởi mở, chân thành dành cho đoàn đại biểu Việt Nam trong ngày chủ nhật và bày tỏ, có thể nhìn thấy sự hợp tác suôn sẻ giữa hai bên trong thời gian tới.

Thủ tướng cho biết, hiện có một số xu thế lớn trong phát triển: Xu thế phát triển nhanh, bao trùm, bền vững; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mạnh mẽ hơn phù hợp từng quốc gia, dân tộc; xu thế thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh; đối diện, giải quyết các thách thức toàn cầu mà không ai có thể đứng ngoài cuộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, không quốc gia nào, không ai có thể giải quyết một mình tất cả những xu thế, do đó Việt Nam có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương. Những xu thế này cũng liên quan tới mọi người dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, hướng tới mọi người dân và đem lại lợi ích cho họ.

toa-trong-tai-thuong-truc-2.png
Thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan, Thủ tướng đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một Brainport tại Hà Nội theo mô hình Brainport tại Eindhoven.

Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao…, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải, vì lợi ích của toàn cầu, của đất nước và của toàn dân để hành động.

Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam – Hà Lan đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là đã trở thành đối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu. Hai nước càng hợp tác càng có thêm kinh nghiệm, cùng nhiều mô hình hợp tác hiệu quả giữa các địa phương của hai nước, như giữa Eindhoven, Bắc Brabant với Bình Dương, An Giang…

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với các mô hình của Hà Lan như Seaport (cảng biển), Airport (cảng hàng không) và mô hình Brainport tại BIC với tinh thần “không gian truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo mở”. Mặt khác, Hà Lan đã phát triển từ một nước nông nghiệp trở thành một nước có nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, dịch vụ thông minh.

Đây là những mô hình, cách làm, bước đi khôn ngoan, đúng đắn mà Việt Nam – với nhiều điểm tương đồng cần tham khảo, học tập kinh nghiệm. Thủ tướng nhắc tới triết lý như của bóng đá Hà Lan là “phòng ngự và tấn công tổng lực”, vừa phát huy sức mạnh dân tộc, vừa phát huy sức mạnh của thời đại, của thế giới với sự giúp đỡ của các nước, trong đó có Hà Lan.

Thủ tướng nêu rõ: “Nhìn vào những gì chúng ta đã, đang làm, đã và đang nói, có thể thấy chúng ta đã thống nhất về ý tưởng”. Đi vào cụ thể, Thủ tướng đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với bước đi cụ thể và đạt hiệu quả qua từng năm tháng.

Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một Brainport tại Hà Nội theo mô hình Brainport tại Eindhoven với quy hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy vai trò của “ba nhà” (nhà nước, viện – trường và doanh nghiệp), huy động các nguồn lực, trong đó có sự chung tay của các doanh nghiệp lớn từ châu Âu.

Thủ tướng gợi mở, Brainport tại Hà Nội cần đặt trọng tâm vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đi đúng hướng vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; đồng thời giải quyết các vấn đề của Việt Nam như định hướng phát triển nông nghiệp, các vấn đề liên quan tới ĐBSCL, xóa đói giảm nghèo… bằng các thành quả đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng hy vọng sau chuyến thăm này, hai bên sẽ đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, bao trùm, bền vững, xuyên suốt hơn, trong đó có quan hệ giữa BIC với các đối tác phía Việt Nam.

Bài liên quan
  • Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Luxembourg
    Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính Đề nghị Luxembourg hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mới nổi và đúng xu thế thời đại như: phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Toà trọng tài thường trực tại Hà Lan