(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh mới do virus TiLV (Tilapia Lake Virus) gây ra trên cá rô phi với tỷ lệ chết lên đến 90%.
UBND Tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, nhập khẩu cá rô phi giống bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam, từ tỉnh này sang tỉnh khác không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Kiểm tra tình hình sản xuất, lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV ở cơ sở sản xuất cá rô phi giống trên địa bàn.
Thông tin đến người nuôi về dịch bệnh mới nguy hiểm này để có biện pháp chủ động phòng chống, chỉ mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền và nuôi đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Trong đó, đặc biệt chú ý tăng cường chế độ giám sát, phát hiện sớm hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường; nếu phát hiện phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cá rô phi con bị bệnh do TiLV có bụng và hậu môn phình to
UBND các huyện, thị xã, TP Huế xây dựng, bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản nói chung và trên cá rô phi nói riêng theo Quyết định số 1037/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiễm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giai đoạn 2016-2020.
Sở NN&PTNT chỉ đạo trung tâm khuyến nông tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về sản xuất, nuôi cá rô phi an toàn: thả mật độ thưa, sử dụng quạt nước trong những ngày nắng nóng, sử dụng thuốc đúng, đủ theo hướng dẫn.
Theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, đến nay bệnh TiLV trên cá rô phi đã lưu hành ở một số tỉnh phía Bắc gồm Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình. Bệnh có thể lây lan qua việc vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác, giữa các cá thể trong ao nuôi.
Các dấu hiệu bên ngoài có thể có, gồm: Hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn…
H.Đội