Ngày 27/5, Cục Kiểm lâm Việt Nam công bố quyết định thành lập Trung tâm Cứu hộ gấu cơ sở 2 do tổ chức Cứu hộ động vật châu Á tài trợ.
Trung tâm sẽ được xây dựng ở tiểu khu 124 phía dưới chân núi Vườn quốc gia Bạch Mã, gồm 6 nhà gấu, 12 khu bán trú hoang dã, khu hành chính, khu nghỉ dưỡng cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu, khu giáo dục truyền thông. Dự kiến, trung tâm khi đi vào hoạt động sẽ tiếp nhận và chăm sóc cho hơn 300 con gấu từ các cơ sở nuôi nhốt tư nhân.
Phối cảnh mô hình Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở II tại Vườn quốc gia Bạch Mã.
TS. Jill Robinson MBE, người sáng lập tổ chức Cứu hộ động vật châu Á, cho biết từ năm 2006 tổ chức này bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam, tới nay đã cứu và chăm sóc 239 gấu ngựa, gấu chó. Trong đó, 192 con đang được chăm sóc an toàn và tự do tại Trung tâm Cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
“Với việc xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu 2 ở Vườn quốc gia Bạch Mã, tổ chức mong muốn đến năm 2026 tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở các hộ gia đình sẽ được chấm dứt”, TS.Jill Robinson MBE nói.
Gấu ngựa vui chơi trong khu bán tự nhiên tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho rằng khi đi vào hoạt động, Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ có thêm địa chỉ tham quan, thêm mô hình học tập và nâng cao nhận thức cho du khách, cộng đồng địa phương về trách nhiệm bảo vệ các loài động vật hoang dã, trong đó có gấu.
Cục Kiểm lâm thống kê, cả nước hiện còn khoảng 870 cá thể gấu được nuôi nhốt trong các cơ sở tư nhân và hộ gia đình. Hơn 300 con đã được đưa về các trung tâm cứu hộ gấu do nhà nước quản lý.
Huyền Nhung