Thúc đẩy sản xuất rau quả sang thị trường EU

Minh Châu|07/10/2020 10:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cùng với các thị trường khác, Liên minh châu Âu là thị trường tiềm năng xuất khẩu rau quả Việt Nam, tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật (SPS) đặt ra rất cao.

Từ khi EVFTA có hiệu lực tạo điều kiện cho rau, quả của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, những ngày gần đây nhiều loại trái cây của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc tiến đến giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường này.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường năng động mang đến những cơ hội lớn cho thương mại rau, quả. Trong khối EU, Hà Lan là nơi có dung lượng nhập khẩu nông sản từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua. Do vậy, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu Châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, quả.
Hiện nay, Hà Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho Châu Âu vào EU thông qua Hà Lan.

Ảnh minh họa

Theo ông Mathijs van den Broek, Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV), EU là thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả và chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. Song, các nhà nhập khẩu EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp rau, quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới, mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam.

EU là thị trường “khó tính”, có yêu cầu khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp, bởi khi xuất khẩu sang EU, nếu bị vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả ngành rau quả, cho nên sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc đối với ngành rau, quả Việt Nam.

Dự kiến xuất khẩu rau, quả sang EU thời gian tới sẽ khởi sắc. Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau, quả của Việt Nam sang EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước. Dù là thị trường xuất khẩu rau, quả đầy tiềm năng nhưng lượng rau, quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,08%/ tổng lượng nhập khẩu của EU. Trong nhóm rau, quả tươi xuất khẩu sang khu vực EU thì trái cây luôn đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, xoài…

Mặc dù, trong thời gian qua, các loại rau gia vị bị EU cảnh báo nhiều lần chiếm kim ngạch xuất khẩu không lớn trong tổng số kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung sang EU, tuy nhiên nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, về lâu dài sẽ làm giảm uy tín, tạo ấn tượng xấu đối với sản phẩm rau quả xuất khẩu không chỉ ở thị trường EU mà cả các thị trường khác. Để đáp ứng các quy định SPS, thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU, trước mắt cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu: Muốn đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, ngành rau quả cần chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu. Muốn vậy, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Để đạt được mục tiêu, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò mấu chốt, tiên phong.

Thứ hai, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý sau thu hoạch: Muốn làm tốt khâu này, chi phí bỏ ra tương đối lớn, do vậy, về lâu dài, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ chính quyền địa phương về cả chủ trương lẫn tài chính.

Thứ ba, tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chặt và kiểm tra 100% lô hàng và ưu tiên cho những vùng sản xuất rau quả đạt VietGap, GlobalGap. Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp xây dựng và thực thi các biện pháp giám sát an toàn thực phẩm rau củ, nhằm đảm bảo tất cả các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khi xuất khẩu rau, quả phải đăng ký vùng trồng, có mã số từ sản xuất đến chế biến, đóng gói và xử lý đầu ra để có thể truy xuất tới cùng nguồn gốc sản phẩm; từ đó đưa ra các chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trong xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín và quyền xuất khẩu vào các thị trường của hàng rau quả Việt Nam.

Thứ tư, sử dụng tốt các quyền hạn và chức năng của điểm hỏi đáp theo hiệp định SPS để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu…

Minh Châu

Bài liên quan
  • Phát triển điện gió tại Việt Nam (Bài 2): Những thách thức kìm hãm sự bứt phá
    Moitruong.net.vn – Việc phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chậm. Còn nhiều thách thức nổi cộm liên quan đến hợp đồng mua bán điện, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, vấn đề hạ tầng cũng như việc gắn kết giữa các bên liên quan là những yếu tố cản trở ngành điện gió Việt Nam bứt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy sản xuất rau quả sang thị trường EU